Ngày Đăng: 24 Tháng 02 Năm 2009 Nhiều người nghĩ Tự Long ham diễn hài nhưng anh bảo nghề chính vẫn là chèo vì “diễn hài mang tính thị hiếu, thị hiếu sẽ có ngày hết, còn chèo là khuôn mẫu, là cuộc đời”.
Đến Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần đúng lúc nghệ sĩ Tự Long đang tập chèo. Tranh thủ thời gian chờ đến lượt anh vào tập diễn, chúng tôi ngồi ngay ghế đá trước cửa hội trường trò chuyện. Thi thoảng tiếng trống chèo vọng ra, rộn ràng cả khoảng sân đang ấm lên vì nắng.
Tuổi thơ “khó vật chất, giàu tinh thần”
Sinh ra và lớn lên tại thôn Trung Liệt, xã Thịnh Quang (Tiên Sơn, Bắc Ninh), Tự Long đã trải qua tuổi thơ mà theo anh là “nghèo về vật chất nhưng phong phú tinh thần”. Cùng lớn lên với bảy người bạn đều sinh năm 1973 - mà sau này mỗi người một số phận - anh có quãng thời gian thơ ấu khó quên.
Khi mới chín tháng tuổi, Tự Long phải sớm xa cha mẹ về ở với bà nội. Bố mẹ anh là diễn viên quan họ, đi diễn suốt. Nhiều khi cũng thấy nhớ bố mẹ, nhưng rồi mãi cũng quen. Hơn 13 năm sống trong sự bao bọc, chăm sóc của bà, Tự Long thương bà lắm. Khi còn bé, Tự Long bảo: “Lớn lên cháu sẽ đóng gạch, lái ô tô nuôi bà”, để rồi khi anh trưởng thành, bà nội cứ lấy câu này mà trêu anh mãi.
Anh kể, làng anh ở ngay gần quốc lộ 1A nhưng lại rất nghèo vì ngoài việc đồng áng, người dân ở đây không có nghề phụ. Hồi ấy, hiếm lắm mới được bữa ăn có thịt, hầu như anh và gia đình phải ăn cơm độn bo bo, khoai, sắn. Thi thoảng có món bột mì hấp cải thiện thì thật khoái, còn nếu bột mì có thêm tí đường và chiên lên thì ăn không biết chán. Tự Long bảo anh yêu tuổi thơ của mình, một tuổi thơ đúng nghĩa. Có những đêm mưa to đi bắt nhái cho vịt ăn; chiều chiều thả diều trên đê, ven mương; rủ bạn bè chơi đánh khăng, đánh đáo; đi học, mong mau mau hết giờ để nhảy xuống sông tắm; có lần trèo rào vào sân kho hợp tác xã bị vướng đứt chun quần, dùng dây rơm buộc vào, đến khi hai thằng bạn nghịch, giật hai bên đứt dây, tụt quần, phải ôm cạp chạy...
Vào vụ mùa, tối tối chạy vòng quanh đống rơm chơi trò “công an bắt gián điệp”, một lần nhảy lên đống phân trâu “chiến đấu”, bị hai thằng bạn quăng mảnh sành trúng ngay mắt, máu chảy đầm đìa, thấy thế sợ quá, bạn chạy mất. Bà nội dẫn Tự Long đi đến nhà từng đứa để tìm “thủ phạm” hỏi cho ra nhẽ. Tự Long chẳng nhớ ai đã ném mình, còn lũ bạn chối đây đẩy, đứa này đổ lỗi cho đứa kia. Lần khác, chú bảo đi mua hành về tráng trứng. Trên đường về, gặp lũ bạn đá bóng, sướng quá, nhảy vào làm một chân. Tay cầm hành, chân đá bóng đến tối mịt, đến khi thím ra gọi mới nhớ ra, chạy ào về nhà, bị chú “đá đít”. “Từ nhỏ sống với bà và chú nên sợ bà và chú lắm”, Tự Long giãi bày.
Chèo vẫn là nghiệp
Năm 1987, Tự Long lên thị xã Bắc Ninh ở với bố mẹ. Cuộc sống không còn kham khổ như khi ở quê nhưng vẫn có những khó khăn riêng. Cả quãng thời gian dài sống bằng tem phiếu, ngày ngày thay bố mẹ đi đổi tem phiếu lấy gạo, mắm, dấm, thịt... Tự Long thường kè kè cục gạch bên người, hoặc là kê làm chỗ ngồi, hoặc là dùng để đánh dấu lượt khi xếp hàng chờ. Mỗi lần được phân một chiếc xe đạp, cả đoàn văn công của bố mẹ anh lại bốc thăm, mỗi người lấy một bộ phận: người cái săm, cái lốp, cái vành... Có lần, anh bốc thăm hộ mẹ được một chiếc khung xe đạp nữ, nhưng cũng phải đến vài năm sau mới có đủ các bộ phận để lắp nên chiếc xe hoàn chỉnh.
Lên cấp ba, Tự Long được sở hữu riêng một chiếc xe đạp để đi học. Từ đây anh bắt đầu cuộc đời “văn minh xe đạp” của mình. Học hết cấp ba, Tự Long thi vào trường Trung cấp xây dựng, học nghề thợ mộc. Sau thời gian học cưa, bào gỗ (một lần suýt đứt gân chân), anh đi làm thợ từ phụ mộc, phu hồ đến sửa xe. Biết mình chẳng có khả năng làm thợ giỏi, cái gì cũng làng nhàng, được hơn một năm, theo lời của ông chú lúc ấy là Trưởng đoàn chèo Bắc Giang, anh thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội rồi từ đó vừa học, vừa làm.
“Bố mẹ không ủng hộ mình theo nghiệp diễn” - Tự Long tâm sự - “Cả đời ông bà đã làm nghề này, nên ông bà biết cái giá phải trả và những mặt trái của nó. Ông bà bảo nghề này bạc bẽo, nhưng lòng ham mê hát, diễn đã ngấm vào máu mình rồi. Chỉ có điều, mình chưa biết hướng đi, mọi thứ còn bản năng lắm”. Vì gia cảnh khó khăn, sự đỡ đần kinh tế của bố mẹ không được bao nhiêu nên Tự Long tự nuôi mình bằng học bổng. “Hồi đó mỗi tháng được 180 ngàn đồng là đủ ăn rồi, còn lại mình đạp xe xuống cà phê Vọng làm thêm. Lúc ấy kiêm đủ thứ, nào MC, nào hoạt náo viên... Ở đó thích lắm vì vừa được nghịch ngợm lại làm đúng sở trường”, anh kể. Đến năm 1998, Tự Long vào Sài Gòn, anh để lại nghề cho “ông bạn vàng” Xuân Bắc kế nhiệm.
Khoảng cuối 1998, đầu 1999, Tự Long về đầu quân cho đoàn chèo Tổng cục Hậu cần và gắn bó đến tận bây giờ. Còn nghề diễn hài gắn với anh khi tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần. Sau 4-5 năm lên sâu khấu “nói vài câu lằng nhằng”, đóng tiểu phẩm thì chỉ vai phụ, rồi đến một ngày đạo diễn nói: “Sân khấu là của anh, anh muốn làm gì thì làm”. Thế là Tự Long thành diễn viên hài thực thụ. Với anh thì: “Có thể mang chèo vào hài chứ mang hài vào chèo thì chưa bao giờ. Hiện tại, mình đã khẳng định vị trí của mình với bạn nghề thông qua các hội diễn toàn quốc hay toàn quân bằng 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Trong chèo, mình thường được giao những vai rất “khoai”, chính kịch, sầu khổ bi thương đủ cả. Có vai đối nghịch với con người thực của mình 100%. Bạn hỏi con người thực của mình ngoài đời thì sao hả? Nó hài hài, đểu đểu vậy đó!”.
Sources: thanhnien |
|
|