Ngày Đăng: 15 Tháng 12 Năm 2009 Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có gần 30 nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Phần lớn họ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cải lương, số còn lại ở các đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer, nghệ thuật xiếc, múa...
Một số ít đã nghỉ hưu, còn lại hầu hết họ vẫn đang sống với nghề. Nhưng dù đã nghỉ hay còn đang cống hiến cho nghệ thuật, phần nhiều họ đều nghèo, chỉ 1 số ít... đủ ăn.
Cả đời ở nhà tập thể
Nghệ sĩ Ánh Hồng (Đoàn Nghệ thuật Cải lương (NTCL) Long An) là người được phong danh hiệu NSƯT sớm nhất ở Long An, cách đây 16 năm. Ngay từ đầu thập niên 1960 cô đào cải lương tài sắc vẹn toàn Ánh Hồng đã vinh dự nhận giải Thanh Tâm danh giá.
Hơn 13 năm sau ngày bà Ánh Hồng được phong NSƯT, chồng bà – ông Hữu Lộc, Trưởng đoàn NTCL Long An – cũng được phong NSƯT. Hiện họ là đôi vợ chồng duy nhất ở ĐBSCL cả 2 đều là NSƯT. Họ không có con với nhau. Bây giờ cả 2 đều đã nghỉ hưu và sống... tập thể. Khu nhà tập thể mà họ sống mấy chục năm qua tỉnh Long An đang có kế hoạch giao cho 1 doanh nghiệp, họ chưa biết phải trả lại nhà lúc nào và phải đi đâu.
Cùng hoàn cảnh với vợ chồng Hữu Lộc – Ánh Hồng là NSƯT Mỹ Thu. Nhưng Mỹ Thu chưa bị đòi lại chỗ ở vì bà còn đang diễn ở Đoàn NTCL Long An và đang ở tập thể trong hậu cứ của đoàn. Nhưng chừng 5 – 6 năm nữa, khi tới tuổi nghỉ hưu, không biết cô đào “hồng nhan đa truân” này sẽ sống nương tựa vào đâu.
Cũng là NSƯT, nhưng “hề” Đoàn Dự - hiện là Phó trưởng đoàn NTCL Long An – may mắn hơn khi “thoát” được cảnh “nhà tập thể” cách đây hơn 10 năm sau khi cưới vợ (có sẵn nhà) và về sống chung với vợ.
NSƯT Minh Chiến (Phó trưởng đoàn Xiếc Long An) càng may mắn hơn khi căn nhà tập thể đã được tỉnh “hóa giá” cho vợ chồng anh.
Còn NSƯT Tuyết Ngân (Đoàn NTCL Bến Tre) không phải ở nhà tập thể nhờ gia đình cô có nhà cửa rộng rãi, cô có được 1 phòng trong ngôi nhà chung của gia đình.
Giống như ở Long An, các NSƯT ở Trà Vinh (Đoàn NTCL Trà Vinh, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Khmer Ánh Bình Minh) và các đoàn nghệ thuật khác ở các tỉnh ĐBSCL phần nhiều cũng ở nhà tập thể. Nhưng buồn hơn hết có lẽ là trường hợp của nghệ sĩ Phương Tùng (Đoàn NTCL Long An). Ông thuộc thế hệ diễn viên kỳ cựu của sân khấu cải lương cả nước với những vai diễn bất hủ như trung tá Paul trong vở Trận tuyến thầm lặng. Ông thích hợp với các vai phản diện, thường làm “dàn bao” cho anh em, chứ ít khi được đóng chính; vì vậy mà khó có huy chương ở các lần hội diễn. Ông không được phong NSƯT vì “không đủ huy chương”, nay đã về hưu, sống tuổi già ở khu tập thể...
Đám tang có nhiều tràng hoa
Danh hiệu NSƯT được Chủ tịch Nước phong tặng cho những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà. Đối với các nghệ sĩ chân chính, đó là phần thưởng tinh thần cao quý cho 1 đời làm nghệ thuật. Danh hiệu NSƯT được Nhà nước trao tặng kèm theo số tiền vài triệu đồng.
Một số nơi trân trọng nghệ sĩ, ngành văn hóa tổ chức lễ tôn vinh trao tặng danh hiệu nói trên kèm theo “quà” của địa phương. Trường hợp của NSƯT Đoàn Dự (Đoàn NTCL Long An) thì hẩm hiu hơn: Lễ phong tặng NSƯT cho ông năm 2001 được “kết hợp” với lễ tổng kết của ngành văn hóa; ngoài 2 triệu đồng của Bộ Văn hóa, ông không được nhận “quà” nào khác. Có điều an ủi là sau khi được phong NSƯT, Đoàn Dự được khám và chữa bệnh theo tiêu chuẩn “cán bộ”.
NSƯT Hữu Lộc (ngoài cùng bên phải) vẫn làm vêệc miệt mài sau khi về hưu. Cách đây mấy năm, khi NSƯT – danh cầm Hoàng Huệ (Đoàn NTCL Long An) bị bệnh chết trong cảnh nghèo trong căn nhà tập thể của Đoàn NTCL Long An, Hội Ái hữu Nghệ sĩ (TPHCM) đã tổ chức lễ tang cho ông tại trụ sở của hội. Suốt cuộc đời nghèo khó, khi nằm xuống, đám tang của Hoàng Huệ có rất nhiều tràng hoa.
Không có qui định cụ thể nào, nhưng theo NSƯT Đoàn Dự, đám tang của NSƯT bao giờ cũng có nhiều tràng hoa hơn nghệ sĩ thường.
NSƯT Hữu Lộc, NSƯT Đoàn Dự thường nói đùa: “Bây giờ đang sống có khi không được trân trọng, nhưng sau này “trăm tuổi già” chắc chắn sẽ có nhiều tràng hoa”.
Lao động tuổi già, không chỉ mưu sinh
Không phải là không có những NSƯT miền Tây có cuộc sống khấm khá, thậm chí giàu có. Đó là những trường hợp NSƯT thành danh ở miền Tây rồi về TPHCM hoạt động nghệ thuật và... làm giàu. Cũng có những NSƯT khá giả nhờ biết “làm kinh tế” song song với hoạt động nghệ thuật. Thuộc loại khá giả có thể kể: Trọng Hữu (Cần Thơ), Thanh Nam (Kiên Giang), Minh Hoàng và Minh Đương (Cà Mau)...
Còn lại những NSƯT bám lại đồng bằng và chỉ hoạt động nghệ thuật, cuộc sống thường khó khăn. Khi tới tuổi nghỉ hưu họ tiếp tục ở nhà tập thể, tiếp tục hoạt động nghệ thuật để mưu sinh.
Hiện NSƯT Hữu Lộc đi đi về về giữa TP.Tân An và TPHCM để cộng tác với các đơn vị ở TPHCM dựng vở diễn. Trong khi NSƯT Ánh Hồng - vợ ông - thì mở lớp dạy hát cải lương ở Long An.
Tính đến hiện nay, cả ĐBSCL chỉ có duy nhất 1 nghệ sĩ nhân dân (NSND), đó là ông Thái Mạnh Hiển, nguyên Trưởng đoàn Xiếc Long An. Nay đã ngoài 70 tuổi, ông Hiển về nghỉ hưu ở TPHCM, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy ông về giúp Đoàn Xiếc Long An dựng mới, nâng cấp các tiết mục. Đối với họ, những NSND, NSƯT, việc tiếp tục lao động nghệ thuật khi đã nghỉ hưu không chỉ là việc mưu sinh. Khi về nghỉ hưu, ai cũng có cảm giác hụt hẩng.
Cả cuộc đời gắn bó với sân khấu bây giờ nằm nhà xem cải lương qua truyền hình, quả là không dễ chịu chút nào. Vì vậy họ luôn tìm cách trở lại với nghề khi sức khỏe còn cho phép. Hoạt động nghệ thuật ở tuổi già vừa giúp các NSƯT cải thiện cuộc sống nghèo, vừa giúp họ không quên mình đang là NSƯT.
Sources: baomoi |