Ngày Đăng: 27 Tháng 01 Năm 2014 Đó là chị Phạm Ngọc Mỹ, người được vợ chồng nghệ sĩ Tấn Tài nhận về nuôi từ khi mới chào đời, bị mẹ ruột bỏ rơi trong bệnh viện
Trong số những người con túc trực bên linh cữu nghệ sĩ (NS) Tấn Tài, ngoài những người con ruột: Phạm Thanh Hà, Phạm Tấn Beo, Phạm Tấn Bo, còn một người con nuôi của ông, đó là chị Phạm Ngọc Mỹ - Việt kiều, định cư tại Mỹ đã hơn 20 năm.
Ngày 26-1, khi các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết NS Tấn Tài đã chết lâm sàng, NS Tấn Beo đã quyết định đưa thi thể cha về nhà và chờ đứa em gái nuôi từ Mỹ kịp về để nhìn mặt cha nuôi lần cuối.
| Chị Phạm Ngọc Mỹ bên linh cữu cha nuôi - nghệ sĩ Tấn Tài |
Thương như con ruột
Câu chuyện về người cha thân yêu đã lìa xa cõi trần được chị Phạm Ngọc Mỹ kể lại trong nước mắt, bởi đối với chị, vợ chồng NS Tấn Tài - Như Ngọc như là những "bồ tát" trên cuộc đời này. Sinh thời, Tấn Tài hay kể về người con gái nuôi: "Tôi có một người con gái nuôi, đó là Phạm Ngọc Mỹ, sinh ra cùng thời gian với Tấn Beo nhưng bị mẹ ruột bỏ rơi trong bệnh viện. Vợ chồng tôi đã xin bệnh viện đem cháu về nuôi, coi như vợ chồng tôi đã sinh đôi. Ngọc Mỹ là con lai, lớn lên trong tình thương yêu của gia đình, chúng tôi luôn xem cháu như con ruột...".
"Thời đó, những người xấu thường đặt điều, đồn đại nhiều chuyện không hay về vợ tôi, vu khống vợ tôi lấy Mỹ nên mới sinh con lai. Thực tế lúc đó, vợ chồng tôi thương Ngọc Mỹ như chính núm ruột của mình. Ngày càng lớn, Ngọc Mỹ càng học chăm, hiếu thảo và luôn thỏ thẻ với tôi rằng lớn lên con sẽ nuôi ba mẹ, không để ba mẹ cơ cực theo đoàn hát..." - NS Tấn Tài kể tiếp.
Điều đọng lại trong lòng tôi khi nghĩ về cha trong những ngày ông lâm bệnh, đó là ông chưa bao giờ than thở. Tinh thần lạc quan của ông đã khiến chúng tôi khâm phục... Cha tôi đã vượt qua biết bao thăng trầm của nghề hát nhưng vẫn sống thanh thản vì ông chẳng bao giờ bị khó khăn khuất phục, đó là gia sản quý giá mà ông để lại cho chúng tôi trong cuộc sống này.
Chị Phạm Ngọc Mỹ
Nhắc lại quãng đời tuổi thơ sống bên cạnh cha mẹ cho đến lúc rời khỏi VN theo diện con lai, chị Ngọc Mỹ khóc: "Cha tôi rất cưng chiều, hết lòng thương yêu tôi. Những năm còn bé, tôi vẫn thường theo cha mẹ vào đoàn hát, những vai tuồng của cha và mẹ, tôi đều nhớ như in.
Cha mẹ tôi dù là đào kép chánh, dù là bầu gánh nhưng vẫn sống đạm bạc, có món ngon đều dành hết cho các con. Mấy anh em tôi lớn lên trong tình thương của khán giả và của cha mẹ nên chúng tôi luôn ý thức giữ gìn đạo đức của một gia đình NS. Tôi đã rời khỏi quê hương 20 năm, 11 lần về thăm cha mẹ.
Năm 2001, cũng vào dịp cận Tết Nguyên đán, tôi về thì mẹ tôi - NS Như Ngọc - đã ra đi vĩnh viễn. Tôi mong cha tôi sẽ sống bên cạnh anh em tôi lâu hơn nhưng không ngờ ông cũng đã lìa xa chúng tôi sớm như thế. Cách đây không lâu, tôi điện thoại về thăm cha, ông có nói sẽ cố gắng khỏe để sang Mỹ một chuyến nữa, thăm vợ chồng tôi và ba cháu ngoại".
Bóng cả
Ôm đứa con gái mới lên 3 tuổi cùng về với chị vào lòng, Ngọc Mỹ gần như không đứng vững: "Chồng tôi cũng sốt ruột không kém gì tôi. Trong những ngày cha tôi lâm bệnh, cứ nghe điện thoại từ quê nhà sang là hồi hộp, lo âu.
Cha tôi dù là NS tên tuổi nhưng sống rất bình dị. Bốn lần ông sang Mỹ thăm vợ chồng tôi đều về nhà chúng tôi ở để có điều kiện chơi đùa với các cháu. Các con tôi sinh ra trên đất Mỹ, được hiểu biết về quê hương VN, về tiếng Việt là qua những đĩa ca cổ của ông ngoại.
Hai con trai tôi khi hay tin ông ngoại mất đã khóc rất nhiều nhưng vì không tìm được vé máy bay để về nước trong mùa này nên các cháu đành ở lại Mỹ cùng bố. Riêng tôi, may mắn có người bạn đã nhường hai vé để tôi và con gái út về thọ tang... Dù tôi là con nuôi nhưng mãi mãi tôi không bao giờ quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ, cũng như sự thương yêu của chị Thanh Hà, anh Tấn Beo, em Tấn Bo".
Chị Ngọc Mỹ cho biết những lần sang Mỹ biểu diễn, NS Tấn Tài nhất định không hát nhép, dù mỗi sô ông phải ca từ 7 đến 10 bài vọng cổ. Lòng yêu nghề đó nhắc chị nhớ lại những ngày chị còn nhỏ, Đoàn Cải lương Hậu Giang lâm vào cảnh nợ nần, ông đã quyết định nhường phần ăn cho anh em hậu đài. Riêng các con vẫn phải làm những công việc trong đoàn hát và ý thức đó đã dạy chị cũng như NS Tấn Beo, Tấn Bo luôn nhớ dù mình là con của bầu gánh, của một NS lớn nhưng vẫn phải lao động mới có cơm ăn, áo mặc.
Chị nghẹn ngào: "Lúc 23 giờ ngày 26-1, tôi xuống phi trường chỉ mới nhìn thấy dáng đi xiêu vẹo của anh ba tôi – NS Tấn Beo, tôi đã không thể đủ sức bồng con. Về đến nhà, nhìn được mặt cha, tôi không nén được nỗi đau xé lòng".
Sources: nld |
|
|