Ngày Đăng: 19 Tháng 01 Năm 2019 Kim Xuân, Kim Tử Long, Hồng Nga... kể nỗ lực duy trì tình yêu nghề, tâm huyết cho sân khấu ở buổi gặp đại diện UBND thành phố.
Buổi họp mặt cuối năm giữa văn nghệ sĩ và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân có chủ đề: "TP HCM bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, tìm hướng đi mới cho nghệ thuật kịch nói trong xu thế hội nhập và phát triển", diễn ra sáng 19/1. Chương trình quy tụ hơn 100 văn nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực của bộ môn nghệ thuật cổ truyền (cải lương, hát bội, xiếc, bóng rỗi, nhạc lễ...).
Qua hơn ba giờ đồng hồ, các diễn viên, đạo diễn, ông "bầu" lần lượt giãi bày tâm tư, trăn trở xoay quanh ba vấn đề: sân khấu xuống cấp, thiếu điểm diễn, thiếu nguồn lực biên kịch - diễn viên, và quy mô quản lý.
Nghệ sĩ bế tắc vì sân khấu xuống cấp, giá thuê sàn diễn đắt đỏ
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuân - người có 40 năm kinh nghiệm trong nghề diễn kể, nhiều lần đến Hà Nội dự các cuộc liên hoan sân khấu, chị thấy các rạp Kim Mã, Công Nhân, Nhà hát kịch Tuổi trẻ cơ sở vật chất đẹp và hoành tráng nhưng hầu như không có khán giả. Ngược lại, tại TP HCM, sân khấu kịch đang nỗ lực để sáng đèn gần như hàng đêm nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng được. Chị lấy ví dụ, với vở Tiên Nga do NSƯT Thành Lộc thực hiện và chương trình Ngày xửa ngày xưa của "bầu" Huỳnh Anh Tuấn ở sân khấu Idecaf đều phải thuê mặt bằng bên ngoài là Nhà hát Bến Thành để mang tác phẩm đến công chúng. Tương tự, các sân khấu kịch Sài Gòn, Hồng Vân, Thế giới trẻ, Hoàng Thái Thanh... đều chật vật đi thuê điểm diễn. "Muốn làm tốt, sáng tạo hay bay bổng rất khó vì nhà thuộc sở hữu của người ta, đóng một cái đinh cũng phải xin phép", Kim Xuân ví von.
NSƯT Kim Tử Long kể, Liên hoan sân khấu cải lương các năm cho ra đời rất nhiều vở, nhưng xong phải cất kho vì không có điểm diễn. Anh nhắc lại rạp Hưng Đạo sau khi xây thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ như một hội trường, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn diễn các vở tầm cỡ. Giá thuê các nơi như Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát TP HCM... lại quá đắt đỏ so với doanh thu. "Tôi rất đau lòng khi cơ quan quản lý không cấp rạp riêng cho cải lương. Chẳng hạn rạp Nhân Dân (Hào Huê cũ)... khi sửa chữa lại đều có thể phục vụ dựng vở, bán với giá vé thật thấp để tạo cơ hội cho nghệ sĩ mang tác phẩm hay, mới đến người xem", anh tâm sự.
| NSƯT Kim Xuân ở buổi họp mặt với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP HCM. |
Nghệ sĩ Phú Quý buồn bã nhìn nhận ngày nay các rạp hát đã dần trở thành quán nhậu, quán cà phê... Ông so sánh, ngày xưa, tuồng cải lương bán 3.000-4.000 vé khán giả vẫn đến đông rạp, giờ có nơi bán được 100 vé đã mừng. Những vở kinh điển như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Con gái chị Hằng, Ngao sò ốc hến... không còn đất sống trên các sàn diễn lớn. Ở tuổi 70, ông mong nghệ thuật cải lương được quan tâm nhiều hơn về phần cơ sở hạ tầng.
Cơ sở vật chất đi xuống là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng tác phẩm xuống dốc. Soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định người viết kịch bản cải lương nói riêng và các loại hình sân khấu nói chung hiện không sống được bằng nghề, phải bươn chải các nghề tay trái. Nghệ sĩ Thanh Bạch góp ý, hiện đa số các tay bút trẻ còn lúng túng, chưa được đào tạo bài bản. Các vở chỉ hướng đến việc tạo tiếng cười mà chưa chú trọng thông điệp. Anh cho rằng các cuộc thi nên nâng cao giải thưởng để tìm ra biên kịch hay, diễn viên tài, đạo diễn giỏi.
| Đạo diễn Ca Lê Hồng rưng rưng khi nói về cái khó của phát huy và giữ gìn kịch nói, cải lương. |
Đạo diễn Hoa Hạ - người tổ chức hai đêm diễn tôn vinh cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhân 100 năm hình thành loại hình nghệ thuật này - nhận xét TP HCM là nơi có đội ngũ nghệ sĩ sân khấu lớn nhất nước nhưng đa số bị phân tán vì cuộc mưu sinh. "Lãnh đạo nên ủng hộ sân khấu xã hội hóa vì đó chính là những người đã bỏ tiền của, công sức ra để duy trì sân khấu", chị trăn trở.
Trước nhiều ý kiến về bức tranh không sáng sủa của sân khấu, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, ông bầu sân khấu Idecaf - có cái nhìn lạc quan hơn. "Không có loại hình nghệ thuật truyền thống nào chết mà chỉ có sàn diễn chết. Theo ông Tuấn, nếu nghệ sĩ và các cấp lãnh đạo cùng bình tĩnh để thực hiện các chuyên đề sâu, tìm cách phát triển văn hóa truyền thống theo một quy hoạch tổng thể, từ nhà hát, diễn viên, đến các khán giả tương lai thì những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ.
Đáp lại những trăn trở của giới nghệ sĩ, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận, việc cải lương xuống dốc một phần nằm ở nhà quản lý. Về mặt bằng sân khấu, ông đề nghị Sở Văn hóa rà soát những địa điểm nào chưa sử dụng cần được thu hồi để đưa vào khai thác hiệu quả hơn. Sở cũng cần rà soát những cơ ngơi có sẵn của TP HCM hiện nay, như Nhà hát Bến Thành, để là đầu ra cho các vở diễn quy mô đại chúng.
| Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM. |
Ông Tuyến cho biết năm nay, mỗi quý một lần TP HCM sẽ tổ chức đêm diễn cải lương ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, kinh phí có thể vận động từ doanh nghiệp. Hoạt động này nhằm duy trì giá trị của nghệ thuật truyền thống. TP HCM cũng tập trung vào việc đào tạo cán bộ quản lý, đội ngũ diễn viên và thế hệ khán giả trẻ... chung tay giữ gìn giá trị đẹp của nghệ thuật truyền thống.
Sources: vnexpress |