Ngày Đăng: 19 Tháng 04 Năm 2018 Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thừa nhận bức tranh chung của sân khấu Hà Nội u ám vì kịch mục chưa bám sát thời sự xã hội.
Ngày 18/4, lãnh đạo và diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ giao lưu với báo giới TP HCM. Giám đốc nhà hát nhận được nhiều thắc mắc về cảnh đìu hiu ở một số sân khấu tại thủ đô, khán giả không thiết tha mua vé và thường chỉ đi xem nếu được mời. Chí Trung cho rằng đây là vấn đề "tiên trách kỷ, hậu trách nhân"
"Chúng tôi chỉ làm ra những sản phẩm nửa vời. Anh em trong nhà hát khen ngợi nhau nhưng khán giả không hiểu, thông điệp không được truyền bá tốt. Chúng tôi chưa phản ánh sát sao các vấn đề thời sự báo chí đưa tin. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nên bỏ qua giai đoạn minh họa xã hội để tiến đến bước dự báo xã hội, bởi sân khấu kịch Hà Nội nhìn chung vẫn chưa phát huy hết chức năng này", Chí Trung cho biết. Điều nghệ sĩ trăn trở nhất là tình trạng khan hiếm các kịch mục chất lượng.
"Táo giao thông" khẳng định anh không khuyến khích quảng bá kịch bằng cách phát vé mời. Trước kia, mỗi khi tặng vé, Nhà hát Tuổi trẻ luôn kín hết gần 600 chỗ ngồi. Nhưng lúc Chí Trung làm trợ lý cho Giám đốc Nhà hát từ năm 2013, anh đề nghị bỏ hẳn việc tặng vé, bởi thấy thiệt thòi cho êkíp. Theo anh, việc khán giả bỏ tiền mua vé sẽ khiến họ chú trọng thưởng thức tác phẩm hơn. "Khi ăn sáng bằng tiền túi, bạn sẽ thấy ngon. Nhưng khi được người mời, mà lại mời đúng món không thích, dần dần bạn sẽ chết khiếp", anh ví von.
| NSƯT Chí Trung trải lòng về sân khấu kịch. |
Để kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị này có chuỗi vở diễn phục vụ khán giả miền Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 18/4 đến ngày 10/5. Đây là bước đầu trong kế hoạch mang dấu ấn của nhà hát đến gần với sân khấu phía Nam. Dù vậy, họ đang đối mặt với không ít thử thách, trong đó có khó khăn về việc tìm địa điểm diễn. Đợt này, Chí Trung phải chật vật mới thu xếp được một đêm diễn tại Nhà hát TP HCM vì nơi đây luôn kín lịch. Bởi các điểm biểu diễn khác như Nhà hát Trần Hữu Trang (quận 1) chưa đi vào hoạt động, Nhà hát Quân đội (quận Tân Bình) có vị trí quá xa...
"Những năm 1980 đến năm 1992, Đoàn ca múa nhạc của chúng tôi hoạt động rất mạnh, đến với khán giả miền Nam với các vở Tôi và chúng ta, Đỉnh cao mơ ước... Thời điểm đó, kịch nghệ là cái gì đó rất mới. Giờ, chúng tôi chỉ đứng nép trong cánh gà mà 'nước mắt chứa chan', nhìn những Thành Lộc, Hồng Vân... chinh phục người xem", Chí Trung bày tỏ.
Trong đợt lưu diễn tới, Chí Trung cho biết anh và các cộng sự vẫn giữ nguyên phong cách kịch phía Bắc, ngôn từ trong các vở. Anh không muốn chỉnh sửa tác phẩm để phù hợp với gu thưởng thức của khán giả miền Nam. "Tôi quan niệm mỗi vùng miền có cái hay riêng. Chúng tôi muốn truyền tải những hình ảnh đặc trưng, chẳng hạn như một Hà Nội thời bao cấp trong Ai là thủ phạm của Lưu Quang Vũ", Chí Trung nói.
| Vở "Ai là thủ phạm" được chọn để diễn phục vụ khán giả TP HCM. |
Sắp tới, nhà hát còn có đợt biểu diễn nhân 30 năm tưởng nhớ ngày mất của cố tác giả Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Tuổi trẻ. Các vở dự kiến diễn là Tin ở hoa hồng, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời thề thứ chín, Lời nói dối cuối cùng, diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 2/9.
Sources: giatri.vnexpress |