Ngày Đăng: 10 Tháng 05 Năm 2002 CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN NGHỀ: Đã 71 tuổi, ông vẫn hăng hái đem tiếng cười đến với khán giả vùng sâu, vùng xa
Cái tên cứu sống tôi
Hiếm ai biết được ngoài tên Nguyễn Phi Thoàn, tôi còn có tên Sen. Hồi đó, má tôi sanh con gái thì nuôi lớn khỏe mạnh, nhưng ba người anh của tôi lần lượt đau ốm rồi qua đời. Quê tôi ở làng Long Đức, tổng Trà Nhiên, tỉnh Trà Vinh. Ngày tôi ra đời, có chiếc tàu thủy tên “Phi Thoàn” của Pháp (1948) chạy xuống Trà Vinh. Ba tôi nói: “Mình đặt tên thằng út là Phi Thoàn để kỷ niệm lần đầu trong đời tui nhìn thấy cái tàu lớn như vậy”. Chưa ra tháng, tôi cứ giống mấy anh đau bệnh hoài. Ba bà chị khóc vì sợ nhà mình không có em trai. Má tôi đi coi thầy, gặp ông sư Lục người Khmer mách mẹo: “Đóng một cái quách nhỏ chôn sau hè, trên quách ghi tên Nguyễn Phi Thoàn, tức con ông bà đã chết, còn thằng đang sống thì tôi đặt tên Sen”. Cách đây mấy tháng về lại Trà Vinh, có người quen cũ gọi ơi ới: “Sen, chú mày có khoẻ không?”. Tôi giựt mình nhớ lại cái tên xưa.
Vào nghề năm 16 tuổi
Hồi nhỏ, tôi mê hát bội lắm, thường đi xem hát ở đình Long Đức. Khổ nỗi tôi không mê đào kép, mà mê mấy... anh hề. Ba tôi là ông giáo làng nhưng rất thoáng, biết tôi mê vẫn cho đi coi thoải mái. Cứ mỗi lần xem xong, về làng tôi bày trò hát tuồng cho con nít coi. Vé bán bằng bao thuốc lá hiệu Cô Tám. Năm 13 tuổi, ba cho tôi lên Sài Gòn học Trường Kỹ thuật Xây dựng, vừa học nghề, vừa học chữ. Vốn có máu văn nghệ tôi thích nghe radio. Thời đó đài Pháp Á có cuộc thi tuyển ca sĩ tối chủ nhật, giữa chương trình có anh Việt Thành kể chuyện. Tôi liền lội bộ đến đài xin gặp ông chủ sự H.C.T. Nghe tôi trình bày nguyện vọng được kể chuyện vui trong giờ giải lao trên đài, ông lắc đầu vì không tin tôi. Nấn ná chưa kịp về thì trời đổ mưa. Tôi đành ở lại chờ tạnh mưa. Thấy vậy, ông chủ sự T. hỏi: “Chú mày định kể chuyện gì mà xin vô đài làm?”. Tôi thưa: “Chuyện thần men ăn thịt chó”. Ông hỏi “Ai viết?”. Tôi đáp: “Con viết”. Ông đề nghị tôi lên sân khấu diễn thử. Thật ra tôi có viết gì đâu, những chuyện vui đó tôi thuộc trong đầu, cứ đem ra kể, pha chế bằng cách giả giọng người nói chuyện với con chó, đại khái: “Mày sủa tao là tao liệng vô mặt mày củ riềng à nha!”. Vậy là tôi được nhận vào làm việc, lúc đó tôi mới 16 tuổi. Sau này, tôi được giới thiệu vào ban kịch Túy Hoa, tham gia diễn đại nhạc hội, rồi đóng phim hài: Sợ vợ mới anh hùng, Lịnh bà xã, Triệu phú bất đắc dĩ, Biển động...
Tránh xa “tứ đổ tường”...
Tôi cưới vợ năm 23 tuổi. Vợ tôi quê ở Bạc Liêu lên Sài Gòn học may. Bả rất ghét... văn nghệ vậy mà trời xui gặp tôi, yêu nhau và sanh cho tôi 7 người con. Tính đến nay tôi đã có 8 đứa cháu nội, ngoại, gái trai đầy đủ. Năm ngoái, vợ tôi qua đời, để lại cho tôi nỗi nhớ nhung mỗi khi nghĩ về quá khứ. Bà nhà tôi chính là điểm tựa, giúp tôi tránh xa “tứ đổ tường”, khuyên ngăn tôi không hút thuốc, uống rượu, phung phí sức khỏe. Nhờ vậy mà 71 tuổi rồi tôi vẫn còn chạy sô tốt. Mới đây chạy một mạch ba sô ở Rạch Giá, Tà Niên, Giồng Riềng. Khán giả vẫn còn thương cái duyên hài lão của tôi. Tôi hài lòng với nghiệp của mình, nhất là có con gái đi theo nghề, đó là Phi Phụng - diễn viên đoàn kịch nói Bông Hồng ngày xưa, nay là thành viên đội kịch Thanh Tùng. Nhiều diễn viên trẻ gặp tôi gọi bố rồi hỏi nhờ bí quyết gì mà bố “phong độ” hoài hoài? Tôi rỉ tai bọn trẻ: “Chỉ có cách tránh xa “tứ đổ tường”. Đừng thử thì sẽ không ghiền”. Hiện nay, tôi tập trung viết kịch bản cho nhóm hài của mình và tham gia các sô diễn từ thiện...
Sources: nld |
|
|