Ngày Đăng: 12 Tháng 09 Năm 2017 Là nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu cải lương miền Nam với hàng loạt những vai diễn để đời, Phương Quang cho biết sự thành công của ông không thể không nhắc đến bà xã, người đã cùng ông chia sẻ ngọt bùi suốt hơn 40 năm qua…
| Nổi tiếng vì hát giống Út Trà Ôn |
| Phương Quang cùng bà xã |
NSƯT Phương Quang kể: “Tôi tên là Tô Văn Quang, sinh năm 1942 tại Dĩ An, Bình Dương. Ngay thời niên thiếu, tôi đã yêu thích cải lương, mỗi khi gánh hát về Dĩ An là tôi thường hay đến rạp để xem hình nghệ sĩ và nghe ca vọng cổ qua loa phóng thanh quảng cáo mỗi chiều.
Có lần, tôi gặp nghệ sĩ Út Trà Ôn đi xe hơi đến rạp. Đó là lần đầu tôi nhìn thấy thần tượng của mình và ước mơ được trở thành nghệ sĩ như ông. Tôi tìm nghe những bài ca cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn để học ca theo. Chất giọng của tôi thiên bẩm đã rất giống ông, chứ thật ra sự bắt chước chỉ là một phần nhỏ, nói đúng hơn là ảnh hưởng từ cách ngâm, luyến và bộ nhịp cùng cách sắp câu.
Năm 1960, tôi lên Sài Gòn tìm nhạc sĩ Văn Còn, người cùng quê và là bà con dòng họ ở Phú Nhuận. Tôi theo nhạc sĩ Văn Còn một thời gian để phụ xách đờn cho ông, lúc ông đờn cho gánh hát Thanh Minh. Mỗi tối, tôi được ngồi dưới dàn đờn, coi các vở như Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng... Từ lúc này, tôi càng mê cải lương hơn nữa và cứ mỗi lần xem hát lại ca theo đào kép. Tôi theo làm đệ tử nhạc sĩ Văn Còn, nhưng được xách đờn nhiều hơn là học ca, nên thời gian khá lâu mà nhịp nhàng chưa vững.
Một hôm, tôi ca bài vọng cổ Tình hận thâm cung, bài nổi tiếng mà Út Trà Ôn hát lúc bấy giờ. Nhạc sĩ Văn Còn không khỏi ngạc nhiên vì cách ca và làn hơi của tôi sao giống Út Trà Ôn... Với kinh nghiệm của một nhạc sĩ tuổi nghề cao, Văn Còn cho biết đây là một giọng ca mang âm hưởng của Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Từ đó, ông chăm chút hơn, truyền dạy nhịp nhàng bài bản, kỹ thuật ca ngâm cho tôi.
Để thử sức mình sau thời gian rèn luyện, tôi tìm đến gánh Kim Thành của bầu Nhuần mới thành lập xin đầu quân và được nhận ngay. Sau đó, gánh Kim Chưởng có đăng tuyển kép chánh. Tôi đăng ký vào thi cùng với ba anh kép khác, nhưng kết quả một mình tôi trúng tuyển”.
Được sự dìu đắt của nghệ sĩ Kim Chưởng, nghệ sĩ Phương Quang được học nghề hát một cách có bài bản và nghiêm túc. Ông trở thành một diễn viên đa năng, thể hiện thành công được nhiều loại vai tuồng… Tuy nhiên, với vóc dáng mạnh khỏe, tướng đi chững chạc, giọng ca cao vút, nghệ sĩ Phương Quang dễ thành công với các vai trung dũng, các võ tướng oai hùng.
Chỉ mới hai năm luyện nghề hát, Phương Quang đã được các trang kịch trường trên báo chí thời ấy và khán giả tán thưởng tài nghệ của qua các tuồng Hai chiều ly biệt, Song long thần chưởng, Huyết phiến lôi phong, Mặt trời đêm, Người nhạn trắng, Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Sương gió biệt vương cung.
Năm 1966, ông đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm, với vai Kỳ Thanh Lang trong vở Tình nào cho em cùng năm với NS Phượng Liên. “Đó là giải thưởng đầu tiên, vinh dự trong đời của một nghệ sĩ. Nó nhắc tôi nhớ đến những ngày đầu vào nghề khó nhọc, rồi nhắc tôi nhớ về một ước mơ cháy bỏng khi lần đầu diện kiến thần tượng. Sau này, tôi kể điều đó với cậu mười Út Trà Ôn, ông cười và nói tôi đã biết cách lách sự bắt chước để có cái của riêng mình, đó là việc đáng khen”, ông nói.
Với Thanh Vy trong Nàng Xê Đa
Đến năm 1983, Phương Quang về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, có mặt trong những vở như Hòn đảo thần Vệ Nữ, Tình yêu và lời đáp,... bên cạnh những nghệ sĩ tài năng nhất của sân khấu cải lương như: NSND Út Trà Ôn, NSƯT Minh Phụng, NS Minh Vương, NSND Lệ Thủy, Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, Út Hiền, Minh Cảnh...
Có lẽ giai đoạn này đáng ghi nhận nhất, vai mà được xem là đỉnh cao để đời của ông là vua Riêm trong vở Nàng Xê-Đa của tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá. “Khi Hội đồng Nghệ thuật của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang do cố NSƯT Đoàn Bá làm Chủ tịch quyết định chọn tôi đóng vai vua Riêm cùng với NSƯT Thanh Vy - vai Xê-Đa, trong nhà hát không ít lời ra tiếng vào, bình phẩm về khả năng nghệ thuật và tỏ ra phản đối. Họ không tin tưởng đôi đào kép Phương Quang - Thanh Vy sẽ làm nên thành công.
Được sự động viên của NSƯT Tấn Đạt và một số nghệ sĩ lão thành cốt cán khác của nhà hát, tôi nhận vai vua Riêm với tâm trạng vừa mừng, vừa lo buồn và mặc cảm. Bởi dư luận tác động làm cho tôi thiếu tự tin nhưng vì lòng tự trọng của một nghệ sĩ, tôi cố gắng hoàn thành vai diễn của mình.
Kết quả, không những thành công, mà đó còn là vai diễn để đời của tôi, được công chúng yêu mến. Hình tượng về nhân vật vua Riêm - Phương Quang, nàng Xê Đa - Thanh Vy đã sáng chói trong giai đoạn này. Nhắc đến thời kỳ hưng thịnh của sân khấu cải lương cũng như giai đoạn phát triển nhất của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thì phải nhắc đến vở Nàng Xê Đa. Tôi tự hào về vai diễn này và khi bảo tàng sáp mời tôi đúc bức tượng, tôi đã chọn vai vua Riêm để tạc lại những kỷ niệm của một đời nghệ sĩ”.
Nghệ sĩ Phương Quang còn được thính giả ái mộ qua các bản vọng cổ Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Gánh nước đêm trăng… Dù mang âm hưởng của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn nhưng tuyệt nhiên giọng ca của Phương Quang không phải là bắt chước, mà đây là giọng hát chân phương, mộc mạc rất độc đáo, với lối sắp câu, nhả chữ tinh tế và quyến rũ người nghe.
Một gia đình hạnh phúc gương mẫu
Mỗi buổi chiều, gia đình nghệ sĩ cải lương Phương Quang thường quây quần bên mâm cơm trong tiếng cười hạnh phúc. Sự giản dị và khiêm nhường trong cuộc sống thường ngày đã mang lại nhiều thuận lợi cho sự nghiệp của Phương Quang.
Phương Quang và bà xã Nguyễn Kim Hương lấy nhau từ năm 1973. Trước đó, bà không thích cải lương và cũng không nghĩ rằng người chồng sau này của mình là nghệ sĩ. Bà kể, bữa nọ tình cờ theo mấy người bạn vào Đài truyền hình Sài Gòn xem làm phim. Khi gặp ông, bà gật đầu chào, thế mà chính sự lễ phép giản dị ấy đã khiến một anh kép nổi tiếng đào hoa như ông phải đắm say. Mấy tháng sau, thông qua sự giới thiệu của người bạn, ông mạnh dạn mời bà đi xem cải lương.
Bà nhớ lại: “Hôm đó, đoàn của anh diễn vở Tâm sự người cha. Lần đầu tiên đi xem cải lương nên tôi rất khó chịu trước những cảnh khóc lóc bi lụy. Khi hết nửa vở, mình ra về. Bù lại tuần sau, anh đóng vai chánh trong vở Qua cầu đắng cay… tôi mới chịu xem hết vở.
Năm 1973, chúng tôi tổ chức lễ cưới, đến nay đã có hai mặt con: cháu Tô Quế Phương (sinh năm 1978), cháu Tô Quang Bảo (sinh năm 1986)… Bây giờ tôi đã ghiền cải lương rồi. Bằng chứng là vở Nàng Xê Đa diễn hơn 1800 suất trên mọi miền đất nước, thì cũng từng ấy buổi tôi khăn gói theo chồng để xem ông diễn”.
Có khoảng thời gian công việc của ông gặp khó khăn, khán giả không ai đến rạp, bà phải chạy lo cho gia đình từng bữa ăn mà không hề than vãn nửa lời. Bà từng làm nhân viên kế toán rồi lại chuyển sang buôn bán, vượt qua cực khổ để làm tròn bổn phận người vợ hiền.
Bà tâm niệm: “Có đói khổ cũng phải bươn chải để lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”. Hiện Quế Phương, con gái của ông bà làm ở một công ty nông sản xuất khẩu, còn con trai Quang Bảo làm ngành cơ khí.
NSƯT Phương Quang thổ lộ: “Tôi không buồn khi hai con mình không nối nghiệp cha. Dư luận cho rằng giới nghệ sĩ cải lương thường ít học, do đó tôi muốn đầu tư cho các con thật tốt, trước khi chúng tự chọn cho mình một cái nghề yêu thích để cống hiến cho xã hội”.
Khi được hỏi: “Vì sao trước đây người ta thường có ác cảm khi nói về hạnh phúc của giới nghệ sĩ, phải chăng bi kịch của những mối tình sân khấu là sự thiếu thủy chung?”.
Suy nghĩ trong giây lát, ông nói: “Hậu trường của giới sân khấu có rất nhiều bi kịch, nỗi đau ở đó có khi còn lớn hơn cả những gì sàn diễn phơi bày nhằm tìm sự đồng cảm của công chúng. Tôi chỉ có thể nói, đã có một thời nghệ sĩ yêu nhiều trở thành mốt thời thượng của giới sân khấu. Ngày nay, trước áp lực của xã hội, nhất là sự giáo dục trực tiếp từ gia đình đến nhà trường, nên thế hệ diễn viên trẻ đã biết dừng lại đúng lúc, không phá hủy nhân cách, lao theo những cuộc tình vụng trộm, đến nỗi gây tai tiếng. Thật đáng buồn nếu lòng chung thủy lại là một bi kịch”.
| Phương Quang và cố soạn giả Viễn Châu |
| Cùng NSND Ngọc Giàu |
“Bà xã tôi không biết ghen”
Những bạn bè đồng nghiệp trong hậu trường thường nhớ lại hình ảnh quen thuộc khi NSƯT Phương Quang còn công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang, vợ ông luôn ở bên chồng lo lắng, chăm sóc. Ông đã từng đóng cặp với nhiều đào chánh trên 17 đoàn hát qua gần 100 vở tuồng. Đến hôm nay, đồng nghiệp vẫn luôn nhắc rằng Phương Quang là một nghệ sĩ không kén vai diễn, không kén bạn diễn. Nghe như thế ông cười: “Nhờ có bà xã tôi không biết ghen, nên vai nào đóng cặp với các nữ nghệ sĩ, tôi cũng diễn rất mùi mẫn”.
Khi nói về bí quyết, ông thổ lộ: “Có câu biết mình biết ta phần thắng không thể vuột xa. Sở dĩ tôi có thể diễn mùi với Phượng Liên, Thanh Nguyệt, Kiều Lệ Tâm, Trương Ánh Loan, Thanh Kim Lệ, Thanh Vy, Lệ Thủy… là do tôi đặt họ vào đúng vị trí của từng vai diễn trên sân khấu. Để khi bôi đi lớp phấn son, cởi bỏ xiêm áo lộng lẫy, chúng tôi không hề cảm thấy chút gì lấn cấn.
Tính đến nay, kể cả băng cát-xét, rồi video, rồi kịch nói, cải lương, phim truyền hình…, tôi có 1001 mối tình sân khấu rất đẹp. Mỗi mối tình mang lại cho tôi nhiều bài học về tình đời, cách đối xử với nhau trong cuộc sống và trên hết là lòng vị tha. Mà khán giả cải lương ngộ lắm, yêu nghệ sĩ qua hình tượng nhân vật.
Tôi đâu phải là một anh kép đẹp trai, nhưng may mắn được giao những vai có tâm hồn cao thượng, thì phải cố làm cho phái nữ đắm say. Ở đây tôi chỉ nói đến phái nữ chịu xem cải lương… Chứ bà xã tôi thì… nhiều lần bắt gặp thư của khán giả, bả xem xong rồi cười, đưa cho tôi đọc. Với các bạn diễn thì vợ tôi không biết ghen, chỉ muốn làm sao cho tôi diễn thật hay, thật đẹp để phục vụ khán giả”.
Còn đối với sự nghiệp sân khấu, ông dành lời khuyên cho lớp trẻ đến với nghệ thuật:
“Mỗi năm, khi giải thưởng uy tín Trần Hữu Trang được tổ chức thì tôi lại khuyên các bạn trẻ đang đến với nghệ thuật là hãy nhìn nhận cho thật kỹ, nhân tài là tố chất cá biệt, nổi trội và thuộc về cá nhân, tự có và nỗ lực mới có. Với nghề diễn viên sân khấu cải lương thì sắc chưa đủ mà phải có thanh. Có giọng ca trước đã, thiên phú thì mới rèn luyện, còn ca đâm hơi, thì bó tay.
Một số người cho rằng, ngày xưa thế hệ chúng tôi học qua cánh gà, qua sự truyền nghề, không bằng ngày nay các em học qua trường lớp. Trên thực tế thì nhà trường là nơi dạy em cái nghề, chứ không dạy em cái tài. Còn thời chúng tôi thì phải chấp nhận bắt chước cái tài của thế hệ cô chú, anh chị, rồi tự thân tìm ra cái riêng cho mình. Khi đã nổi tiếng rồi, phải tỉnh táo để biết mình là ai, đang đứng ở đâu, khả năng mình tới đâu thì đứng ở vị trí đó.
Còn nếu không muốn nhạt nhòa thì tự thân phát huy để có gam màu khác nổi bật hơn. Hãy tập đi chứ đừng có tập chạy. Tôi nhớ hoài cố NS Kiều Hoa, chị có một số đệ tử đi ca quán, có sắc vóc, có tài năng nhưng cứ bị lạc lối, chị nói, ‘Tụi nhỏ làm mình thất vọng quá anh Quang. Mình muốn nó đi đường này dù chậm nhưng sẽ chắc, còn nó thì muốn đi đường tắt’. Nghề chọn mình thì các em chịu khó nhìn lại con đường mình đi, đừng có quá nôn nóng mà lạc hướng, đó là lời khuyên của tôi…”.
Sources: baomoi |