Ngày Đăng: 19 Tháng 02 Năm 2009 Tôi nhớ hồi còn nhỏ xíu ở quê đã nghe tiếng Hề Sa lừng lẫy. Hễ mở radio ra nghe, chẳng làm sao phân biệt được đâu là Văn Hường tiền bối và đâu là Hề Sa hậu bối.
Trong làng vọng cổ hài, hiếm hoi lắm mới có được giọng ca như vậy, nên cả hai chú hề đều đã hấp dẫn được cả hàng triệu khán giả cải lương thời đó cho tới tận bây giờ...
Trong hình dung của tôi, chú Hề Sa chắc phải ốm ốm, thậm chí bé choắt nữa kia, và chắc cũng... quê quê, hợp với cái chất giọng kim lanh lảnh. Nhưng không, gặp ông rồi mới thấy Hề Sa phong độ quá chừng. Ông vừa người, trắng trẻo, mái tóc dài hơi quăn nom rất nghệ sĩ, áo sơ mi bỏ trong quần, lịch sự như một doanh nhân. Và tôi còn ngớ người khi biết được ông đã 68 tuổi.
Ông cười rất thoải mái, nét mặt hồn hậu, khai ngay là mình có bà vợ mới 48 tuổi. Tôi tròn mắt. Nhỏ hơn tới 20 tuổi? Ừ. Mà không chỉ một bà. Tổng cộng ông có... 4 vợ, 8 con thôi! Nghe tôi "Í trời!", ông lật đật thanh minh: "Hổng phải chú dây dưa một lúc, mà thôi bà này mới cưới bà khác". Tôi không nhịn được cười: "Dạ, đâu có sao. Cháu chỉ ngạc nhiên sao chú là hề mà... bảnh quá vậy?". Ông bẽn lẽn khai tiếp là con út chỉ mới 10 tuổi, học lớp 5. Ôi, cha già con mọn!
Ông thở hắt ra: "Trời cho sao hưởng vậy cháu ơi. Ráng làm tới năm nó 18 tuổi thì chú nghỉ". Mà tới lúc đó ông đã 76 tuổi rồi, hổng lẽ còn chạy sô tiếp nuôi con? Ông lại cười hì hì: "Tổ nghiệp thương, bây giờ vẫn còn chạy sô được đó nghen". Ông đâu chỉ nuôi vợ, nuôi con, mà còn gánh cả mẹ vợ đau yếu, anh vợ bị tâm thần, em vợ đang mất việc cũng về nhà tá túc... Một đại gia đình chỉ trông vào mình ông, chứng tỏ giọng ca đó vẫn còn nhiều sức hút. Ông nói, may mà sớm mua được căn nhà ở quận Bình Tân, khỏi đi thuê, nên vẫn còn có thể xoay xở được. Mấy đứa lớn đã ra riêng, còn cái gánh của "bà tư" thì cha già con mọn, cũng vui!
Chú hề có lương cao ngất ngưởng
Tôi khen ông "bảnh", vì thông thường trong gánh hát thì chỉ kép mới oai, chứ hề chỉ xuất hiện như nét điểm xuyết cho vở tuồng. Ông lắc đầu: "Đâu có cháu, kép làm người ta khóc, còn hề thì làm người ta cười, có vậy mới đủ buồn vui trong vở, cho nên hề cũng được cưng. Những quái kiệt cỡ Bảy Xê, Ba Vân, Tư Rọm đều danh nổi như cồn. Còn lương của chú hồi đó cao ngất ngưởng: hợp đồng chú ký với bà bầu Kim Chung 1 triệu đồng, bằng giải độc đắc của vé số. Lương tháng 12 ngàn, trong khi chiếc Honda Dame hoặc Honda 67 chỉ có 28 ngàn". Tôi thầm nghĩ, có lẽ nhờ thế mà ông "đắt đào".
Ông ký hợp đồng xong là mua ngay xe hơi chạy chơi, không hề nghĩ chuyện mua nhà hay mua vàng. Vàng rẻ rề, còn nhà thì chẳng cần, vì đời nghệ sĩ rày đây mai đó, cứ lấy ghe hát làm nhà quanh năm.
Mà hầu như nghệ sĩ nào cũng vậy chứ chẳng riêng ông. Và thời huy hoàng ấy của Hề Sa kéo dài cả 20 năm, cho tới sau ngày giải phóng...
Thật ra, ông đã trải qua một thời ấu thơ ảm đạm. Lúc 8 tuổi, khi mẹ mất, ông phải ở với cha và mẹ kế. Rồi cha ông cũng mất, ông được mẹ kế dưỡng nuôi tại Long Bình - Thủ Đức. Ông đến với cải lương bắt đầu bằng cách chui vô rạp "coi cọp", rồi sau đó mê Văn Hường qua sóng phát thanh, lại nhận ra mình có chất giọng cũng hơi giống nên ông quyết học theo, tự nhận Văn Hường làm sư phụ.
16 tuổi, ông trốn nhà theo gánh hát, mơ được làm kép thật ngon lành. Nhưng ở gánh hát nào cũng vậy, ai mới vào cũng phải chạy việc hậu đài, hoặc làm quân sĩ. Phải mất mấy năm trời, ông mới ngoi dần lên được. Nhưng rồi ông hiểu rằng mình có phần kém về ngoại hình, nên khó lòng "cạnh tranh" nổi với những Minh Phụng, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm... Thế nên phải tìm cách "chuyển tông", bằng cách khai thác giọng ca hài để có được chỗ đứng.
Hề Sa tên thật là Lê Văn Sa, sinh năm 1941, tại Thủ Đức, TP.HCM.
Năm 1969 ông đã cùng đoàn Kim Chung sang Pháp hát tuồng Thần nữ dâng ngũ linh kỳ và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài...
Những bài vọng cổ hài nổi tiếng của ông: Khi người say biết yêu, Thần tài giũ sổ, Tứ đổ tường, Pháp sư giải nghệ, 5 người vợ...
Đúng 21 tuổi, ông được mời về đại bang Thủ Đô, sau đó về Kim Chung, Thanh Nga... Thôi thì, tiền vô như nước. Nếu sư phụ Văn Hường chỉ chuyên ca để thu đĩa thì đệ tử Hề Sa còn được diễn trên sân khấu. Cũng có khi hai thầy trò cùng thu chung đĩa. Hề Sa thừa nhận mình là "bản photo" của Văn Hường, nhưng sau đó ông đã cố tách ra tìm cho được nét riêng.
Hồn nhiên với tiếng cười sân khấu
Sau ngày giải phóng, tiếng tăm của ông trở nên lừng lẫy nhờ những bài vọng cổ cách mạng như Tiểu đoàn 307, Anh Ba Hưng, Người lính già vui tính... Những bài này đến tận bây giờ vẫn là bài tủ, mỗi khi ông đi hát ở các hội nghị, các tổ chức quân đội, hưu trí... Hơi ca của ông còn mùi, còn khỏe lắm, như thể vẫn còn được tổ đãi để có điều kiện nuôi vợ nuôi con.
Hề Sa còn nhận hát sô ở chùa, tiệc tùng, liên hoan, đám cưới... Trong thành phố hay đi tỉnh, ai bồi dưỡng bao nhiêu ông cũng cười, có khi hát "từ thiện" cũng vẫn vui... Thế nhưng khán giả rất quý ông, nên chẳng bao giờ trả thù lao thấp, dù ông vẫn nhận mình là "hoa đã tàn".
Ngay thời điểm này, ông đang được một hãng đĩa mời thực hiện VCD Hề Sa - Giấc mơ tỉ phú, với toàn những bài nổi tiếng một thời... Ông cười: "Tôi không lấy cát-sê, chỉ lấy 600 đĩa để dành tặng khán giả, bạn bè làm kỷ niệm".
Ông thú nhận mình thuộc loại ham chơi, ít khi chịu so đo tính toán. Có thời bà vợ bỏ tiền cho ông thành lập gánh Sóng Hề Sa cũng rất "ngon ăn", nhưng ông than: "Làm vậy còn quá cha làm kinh doanh. Tối ngày cứ phải lo tính lương bổng, vé bán, sân bãi, lời lỗ... Thôi, thà tui đi hát mướn cho người ta, tối về ngủ khỏe. Có gì, tui rã gánh, sống tự do". Thật ra, hồi đó ông đã gom hết bầy con của các bà vợ đưa cả vô gánh, đứa thì diễn, đứa thì đờn, đứa lo âm thanh, ánh sáng..., cũng vui cả nhà.
Trong bốn bà vợ ông, có hai bà là đào hát: Yến Thu và Hà Quyên Quyên, thậm chí là con nhà nòi mấy đời đi hát. Cả đại gia đình của ông toàn là nghệ sĩ, cho nên nếu không đi hát thì cũng chẳng biết làm gì, mà có làm thì cũng chỉ đủ cầm cự qua ngày chứ chẳng thể làm giàu.
Ông phẩy tay: "Thôi kệ, trời sanh mình vậy, than thở làm gì. Tui chẳng buồn vui gì ráo, cứ tà tà hát như trời đã định... Có chết ai đâu...".
Nét mặt của Hề Sa thật hồn nhiên, chẳng hề có chút dấu hiệu của tuổi tác, đúng ngay bon là gương mặt danh hài, loại người chỉ mang toàn tiếng cười dâng tặng cho cuộc sống...
Sources: thanhnien |