Ngày Đăng: 22 Tháng 09 Năm 2005 Hơn 1 tháng hôn mê trên giường bệnh, nghệ sĩ Đức Lợi - người nghệ sĩ đã cống hiến cuộc đời cho sân khấu cải lương tuồng cổ - đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ 35 phút ngày 21-9-2005, nhằm ngày 18-8 năm Ất Dậu.
Nghệ sĩ Đức Lợi tên thật là Huỳnh Văn Lợi, sinh năm 1948, tại Sài Gòn. Anh là một trong số nghệ sĩ đang mắc bệnh nan y cần sự giúp đỡ. Ban Ái hữu Hội Sân khấu TPHCM đã tổ chức 2 suất hát gây quỹ giúp đỡ những nghệ sĩ nghèo đang gặp hoạn nạn, trong đó có anh.
Đêm 14-8, khi được mời lên sân khấu nhận 2 triệu đồng, nghệ sĩ Đức Lợi ra về trong niềm xúc động. Không thể ngờ trên đường về anh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não dẫn đến hôn mê cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Khán giả hâm mộ không thể quên một kép hát oai phong, dõng dạc với giọng ca trầm ấm, khảng khái trong nhiều vở tuồng kiếm hiệp mà một thời đoàn hát Kim Chưởng tung hoành khắp miền Nam.
Anh lớn lên trên sân khấu Đồng ấu Trường Thành, được ông Giáo Út, Mười Vàng dạy nghề và đặt nghệ danh Đức Lợi. Khi trưởng thành, rời đoàn Đồng ấu, Đức Lợi đầu quân cho các gánh hát: Thanh Bình, Kim Mai, rồi Kim Chưởng. Sau 1975 anh là nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long.
Tên tuổi nghệ sĩ Đức Lợi đã khắc đậm trong lòng khán giả qua các vai diễn: Mã Văn Tài (Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài), Sơn Đằng (Cầu mộng đêm trăng), Đường Thế Dân (Đơn Hùng Tín), vua Anh Tôn (Xử án Phi Giao), Hoàng Phủ Thiếu Hoa (Mạnh Lệ Quân), Trần Khánh Dư (Anh hùng bán than), Nội giám (Tấm Cám)...
Nổi bật nhất là vai Nguyễn Huệ trong vở Mặt trời đêm thế kỷ, mang lại cho anh HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Trên sân khấu đoàn Huỳnh Long, anh đã giúp đỡ nhiều thế hệ đàn em rèn luyện nghề nghiệp. Hai con anh: Chinh Nhân và Bình Tinh cũng học ở cha tính nhẫn nại, chịu khó với nghề. Nghiệp hát gieo neo đã khiến Đức Lợi phải gánh nợ. Cái nghèo, bệnh tật cứ đeo bám anh nhưng không dập tắt lòng yêu nghề của anh.
Linh cữu của nghệ sĩ Đức Lợi được quàn tại Ban Ái hữu Hội Sân khấu TPHCM (số 133 Cô Bắc, quận 1 - TPHCM). Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 23-9-2005, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ - chùa Nghệ sĩ Gò Vấp - TPHCM.
Xin vĩnh biệt anh, người nghệ sĩ đã cống hiến cuộc đời cho sân khấu cải lương tuồng cổ của nước nhà.
Sources: tuoitre |