Ngày Đăng: 08 Tháng 06 Năm 2014 Ba Vân còn gọi là Quái kiệt Ba Vân, là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Ông tên thật Lê Long Vân sinh năm 1908 ở làng An Bình Đông, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ông sinh ra trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ đã được mời thầy về dạy nhạc. Ông được học đánh trống, đánh đồ ngang, chọi bạc, đàn tranh, đàn kìm... Do có chất giọng thanh, trong nên được thầy chú ý. Sau một thời gian học vớii thầy, năm 1917, ông đã đi hát cho các đám tiệc trong làng. Em trai ông là nghệ sĩ Tám Vân.
Năm 1920, ông theo nhóm hát Kiều Vân Tiên. Những năm sau đó, ông gia nhập gánh Tái Đồng Ban, rồi gánh Tân Hí, Đồng Thinh và Nghĩa Hiệp Ban. Từ năm 1927 đến năm 1929, ông gia nhập gánh Quảng Lạc ở Hà Nội.
Trong những năm 1937 - 1939, tài năng của ông bắt đầu nở rộ khi ông gia nhập gánh Đại Phước Cương ra mắt ở Hà Nội. Ông lưu diễn ở miền Bắc 7 lần từ năm 1927 đến 1950, Từ năm 1950 đến 1975, ông sống ở Sài Gòn và tiếp tục đóng góp cho sân khấu cải lương miền Nam. Ông là một trong những bậc thầy về khả năng diễn hài, và được gọi là một trong những quái kiệt về hài của sân khấu miền Nam.
Ba Vân là một trong những cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương cùng với Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tám Danh, Ba Du... Tài năng của ông không chỉ ở các vai hài, mà còn ở khả năng diễn xuất đa dạng, tài tình với các vai hề, lão, độc, văn, võ... Những vở diễn thành công của ông là Men rượu hương tình, Vó ngựa truy phong, Khi người điên biết yêu, Người ven đô... Ngoài ra ông còn đóng trong một số bộ phim như Lan và Điệp (1973), Sợ vợ mới anh hùng (1974), Năm vua hề về làng (1975)...
Sống thanh bạch và giản dị, tình cảm đôn hậu, trong sáng, nghệ sĩ Ba Vân không những chỉ có bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông quý trọng, mà còn được đông đảo công chúng mến mộ. Cuộc đời hơn nửa thế kỷ gắn bó nghệ thuật cải lương cho đến khi trút hơi thở cuối cùng của ông là một bài học vô giá cho lớp nghệ sĩ hôm nay về tinh thần vì nghệ thuật, lòng nhân nghĩa, đạo lý ở đời, về đức khiêm nhường, bao dung, về lòng yêu thương con người và yêu nghề. Ông qua đời tại Sài Gòn ngày 24-8-1988, được chôn cất tại Nghĩa trang Nghệ sĩ.
Sources: donghuongbentre |