Ngày Đăng: 31 Tháng 07 Năm 2010
Xa quê, xa sân khấu, tấm lòng họ luôn hướng về cải lương và người mộ điệu.
Đôi vợ chồng nghệ sĩ một thời là ngôi sao cải lương tuồng cổ. Sau 22 năm xa xứ, họ trở về chinh phục khán giả trong hai vở tuồng Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu. Chúng tôi đã gặp và trao đổi chuyện đời, chuyện nghề với đôi nghệ sĩ này.
Xa quê vẫn giữ nghề
. Thưa anh chị, sống ở Pháp anh chị có nhận được sự ái mộ của khán giả như trong nước?
+ Ở Pháp, mình phải đi làm hãng như mọi người để kiếm sống, lo tương lai cho con cái, dĩ nhiên mình không thể nào còn là nghệ sĩ như trong nước. Tuy vậy, với đồng hương người Việt, chúng tôi luôn được thương yêu, ưu ái vì vẫn là nghệ sĩ trong lòng họ.
. Anh chị có thường xuyên biểu diễn ở Pháp không và có thể coi việc đi hát là một nguồn thu nhập?
+ Ở Pháp, người Việt không đông như ở Mỹ nên rất hiếm các suất hát chuyên nghiệp. Lâu lâu mới có một suất hát ở Hội Người Việt, ở các chùa vào những dịp như Vu lan, tết. Chúng tôi cũng chỉ nhận lời những ai biết tôn trọng, nhìn nhận đúng giá trị của mình. Vui nhất, thích nhất là được hát cùng khi có đoàn nghệ sĩ từ Việt Nam qua.
. Trong Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân, anh chị vẫn giữ được phong độ. Nhờ đâu anh chị giữ được nghề?
+ Cuộc sống công nghiệp ở Pháp khiến chúng tôi không có thời gian tập luyện. Tuy nhiên, cái nghề chẳng thể nào bị mất đi, khi diễn là tự nhiên ào ạt tuôn ra vì nó là máu thịt rồi. Hôm diễn Câu thơ yên ngựa vừa rồi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà - Chủ tịch Hội Việt kiều xem xong cũng hỏi chúng tôi làm thế nào mà vẫn giữ được nghề, vẫn diễn được như trước.
| Đôi nghệ sĩ Thanh Bạch - Bạch Lê trong vai danh tướng Lý Thường Kiệt và thái hậu Ỷ Lan. |
Nỗi niềm sân khấu
. Anh chị có theo dõi cải lương trong nước? Có nhận xét gì về nghề diễn của các nghệ sĩ tuồng cổ - hồ quảng trẻ hôm nay, trong đó có cả các con cháu mình?
+ Chúng tôi theo dõi sát sao qua băng đĩa trong nước gửi qua. Các cháu đều có sắc vóc, nghề nghiệp khá nhưng hiếm ai thật sự tạo được ấn tượng độc đáo, ai diễn cũng giống ai, vai nào cũng giống vai nào. Các cháu bị lỗi là diễn mà không biết tại sao mình diễn như vậy, mỗi vai diễn cần động tác gì. Chỉ thích đẹp nên ăn bận sao cho càng rực rỡ càng tốt, không cần đúng vai. Những động tác vũ đạo có thể khiến khán giả vỗ tay bị lạm dụng đưa vào mà không hiểu tại sao làm và có cần làm không. Gần như vai diễn nào cũng có chạy gối. Đâu phải vai nào cũng có thể chạy gối. Mỗi tính cách, tình huống lại chạy mỗi kiểu khác nhau. Vai Thần nữ chạy gối phải nhanh vì đó là chạy để van xin. Vai Lưu Kim Đính phải chậm, mệt nhọc vì không còn sức mà phải lết đến con ngựa. Vai Trịnh Ân chạy gối là để tìm chiếu chỉ nên tôi chỉ chạy nửa vòng, nửa vòng sau dừng lại làm động tác mò tìm… Hát tuồng Tàu điệu bộ phải khác hát tuồng sử Việt. Ví dụ câu nói “Ta sẽ đánh dập đầu giặc Bắc phương”, nếu là tuồng Tàu, mình chỉ hai tay ngang mặt lên trời và xỉa hai ngón tay; còn tuồng sử Việt thì một tay chống hông, tay kia chỉ xéo thẳng xuống đất và xỉa một ngón tay… Không hiểu căn bản thì khó phát triển nghề.
Nhưng lỗi không phải hoàn toàn do các bạn. Ngày trước, có gánh hát, có đoàn hát anh em trong đoàn phải học hỏi và tranh đua nhau. Lý Đạo Thành - Trường Sơn phải khác Lý Đạo Thành - Thanh Tòng. Trong đoàn hát, mỗi vở diễn đều là việc chung, ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người nên ai cũng có trách nhiệm nhắc nhở, xây dựng cho nhau. Bây giờ, ngôi sao hợp lại diễn có vài suất, không ai dám nói, mà nói làm sao được khi họ chỉ diễn vài suất rồi thôi, sao có thể bắt họ trau chuốt, tập luyện cật lực. Bây giờ cũng không có kịch bản mới hay để các bạn thể hiện mình.
Tuồng cổ là máu thịt
. Có ý kiến cho rằng cải lương hồ quảng - tuồng cổ không là cải lương chính thống, thiếu tính dân tộc, lai căng. Và cũng có ý kiến nên gọi thể loại cải lương các anh chị đang hát là cải lương hồ quảng. Ý kiến của anh chị ra sao?
+ Tôi thấy thống nhất danh xưng cải lương tuồng cổ là chính xác và trân trọng nhất. Dòng Minh Tơ phát triển cải lương hồ quảng từ đoàn hát bội của ông bầu Thắng, chuyển tích Tàu từ tuồng hát bội thành cải lương gọi là gánh hát bội Kiêm Thời. Sau này thêm nhạc hồ quảng, rồi bài bản cải lương như Văn thiên tường, Phụng hoàng, Xàng xê, vọng cổ, lý… thành ra cải lương hồ quảng. Bên những người diễn cải lương xã hội, những người như ông Năm Châu, bà Phùng Há, bà Bảy Nam… lúc đầu cũng hát cải lương hồ quảng từ hát bội và âm nhạc, vũ đạo hồ quảng thêm vào gọi là cải lương tuồng Tàu. Đến cải lương tuồng cổ như Câu thơ yên ngựa thì âm nhạc 100% Việt Nam. Vũ đạo thì cũng từ gốc hát bội, kịch hát hồ quảng do thầy Tàu sang dạy và cả vũ đạo do các nghệ sĩ sáng tạo thêm. Trong vở Bão táp nguyên phong, tôi đóng vai vua Trần Cảnh, đứng một chân làm động cầu, ký, đinh của hát bội, xong sáng tạo ra thêm cách ngồi một chân…
. Có người nói cải lương tuồng cổ dễ diễn hơn, chị nghĩ sao?
+ Không có loại cải lương nào diễn dễ hết. Chúng tôi phải học cật lực với cha, với thầy Tàu ở trong đoàn từ bé. Phải biết cầm cây thương khác cầm cây siêu, cây giáo… Khi diễn vai Lý Quảng trong tuồng Hoa Mộc Lan, nghệ sĩ Hữu Phước (cha ca sĩ Hương Lan) đã phải nhờ cha tôi dạy cầm cây thương. Nghệ sĩ Hoài Thanh diễn vai Lục Vân Tiên, Phượng Liên diễn trong tuồng Giấc mộng đêm xuân cũng đến nhờ Bạch Long chỉ cách cầm thương, cầm siêu… Công chúa thì phải đi khác tiểu thơ ra sao, nàng hầu đi như thế nào, quan nịnh thì phẩy cây quạt trên cao, quan trung thì phẩy quạt chậm hơn trước ngực… Với nghệ thuật không có thể loại hay dở, khó dễ mà chỉ có người nghệ sĩ có hết lòng, yêu nghề, giỏi nghề hay không.
. Xin cảm ơn anh chị.
Sources: plo.vn |