Ngày Đăng: 22 Tháng 03 Năm 2016 "Táo giao thông" và giáo sư Xoay nhận lời mời làm giảng viên khóa học đào tạo người giúp việc của Vinhomes.
- Lần đầu làm người người hướng dẫn cho khóa học đào tạo người giúp việc về văn hóa ứng xử và kỹ năng đảm việc nhà, cảm xúc của anh thế nào?
- Cá nhân tôi cho rằng, khóa học này rất nhân văn. Thực tế, ai từng trải qua quá trình tìm người giúp việc mới hiểu được đó là sự thống khổ, niềm vui và cả sự tuyệt vọng. Bản thân gia đình tôi có 2 đứa con, cũng từng cộng tác với 4, 5 đời giúp việc. Vì thế, tôi rất hiểu nỗi niềm trăn trở để tìm được người giúp việc ưng ý. Khi chúng tôi nhận lời mời tham gia với tư cách là giảng viên khóa học, chúng tôi rất sung sướng, hồ hởi và coi đó là một trách nhiệm xã hội.
- Anh và các cộng sự đã làm việc thế nào để viết ra kịch bản và hoàn thành lớp giảng dạy này?
- Tôi cùng Đinh Tiến Dũng là tác giả viết kịch bản cùng nhóm êkip 6 người. Tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu để hoàn thành khóa học bổ ích. Diễn viên rất thích thú và tập luyện hăng say. Khi tham gia khóa học, chúng tôi coi tất cả là một gia đình.
Nếu như tạm coi Vinhomes như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ tiện ích, thì những người giúp việc là những cây hoa mọc trong ấy. Nếu như cây mọc không đúng chỗ, không đẹp thì có khả năng gây ra sự cố. Chúng tôi rất hy vọng qua 4 - 5 buổi học sẽ truyền được lửa cho họ và dành cho họ sự tôn trọng đáng có.
Khi những người giúp việc quyết định rời bỏ miền quê, xa gia đình, con cái để lên thành phố kiếm sống, mang số tiền kiếm được về nuôi gia đình, thì mối quan hệ giữa gia chủ và người giúp việc là mối quan hệ tương hỗ và hữu cơ. Tất cả chúng ta nên ứng xử sao cho cuộc sống của mọi người trở nên hạnh phúc hơn.
- Với đối tượng học viên rất đặc biệt là những người giúp việc trong gia đình, anh có áp lực gì trong việc xây dựng kịch bản để có thể truyền tải kiến thức tới các học viên một cách hiệu quả?
- Vinhomes đã xây dựng một giáo án khá chi tiết và chúng tôi chỉ phát triển nó lên, biến nó từ những con chữ khô cứng thành những bài học sống động qua quá trình trải nghiệm và vốn sống của mình, qua cả ý nghĩa nhân văn có trong mỗi con người. Tôi chỉ kêu gọi tất cả mọi người đủ mọi lứa tuổi làm sao ứng xử cho tốt. Mọi người coi tôi là nghệ sĩ thân thiện, còn tôi coi mình là nghệ sĩ để phục vụ công chúng.
- Điều đặc biệt là cả anh và nghệ sĩ Ngọc Huyền đều tham gia chương trình này. Hai vợ chồng anh chuẩn bị thế nào để có thể kết hợp ăn ý ngay từ buổi đầu tiên của khóa học?
- Ban đầu, vai diễn của Ngọc Huyền không có trong kịch bản tôi viết. Như thường lệ, khi viết kịch bản xong, tôi thường đưa cho Huyền đọc để góp ý và phản biện, qua đó giúp cho sản phẩm của tôi được hoàn thiện hơn nữa trước khi đến với công chúng. Tuy nhiên, ở lần này, vợ tôi lại rất hứng thú và muốn tham gia vào một vai diễn trong vở kịch, để cùng với tôi truyền lửa cho những người giúp việc tham gia khóa học. Và tôi thực sự biết ơn vai diễn được thay đổi vào phút cuối của Huyền, chính sự hóa thân của Huyền trong vai diễn bà giúp việc lớn tuổi và chân chất ấy đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc hơn cho toàn bộ vở diễn, khiến thông điệp của chương trình được truyền đi một cách tự nhiên và đọng lại trong lòng người.
Tôi và vợ đã có 38 năm cùng làm việc với nhau ở nhà hát Tuổi trẻ, đó cũng là 38 năm mà chúng tôi yêu nhau rồi lấy nhau. 38 năm cùng chia sẻ với nhau trong công việc lẫn cuộc sống khiến chúng tôi rất hiểu nhau nên việc phối hợp trong khóa học chẳng có gì khó khăn cả. Chúng tôi không ôn bài, mà đúng ra là thường ngồi lại với nhau trước mỗi buổi dạy để bàn xem nên thay đổi hay thêm bớt những chi tiết gì để khiến bài giảng trở nên thú vị hơn.
- Theo anh, học viên thu được những gì sau khóa học?
- Tinh thần nhân văn là có thật, sự nỗ lực không mệt mỏi, ý tưởng thông minh là có thật. Tôi cho rằng khóa học sẽ tạo nên một bước ngoặt trong việc gây dựng hình ảnh đẹp đẽ cho người giúp việc trong tương lai. Dưới góc độ một người giảng viên, tôi rất mừng vì sự thành công ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn trăn trở một điều rằng, một mình người giúp việc không tạo ra cuộc cách mạng. Sự thay đổi của người giúp việc phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và sự trọng thị của gia chủ. Nếu gia chủ cư xử đúng mực thì sẽ có những người giúp việc chân thành. Ngược lại, nếu gia chủ đối xử thiếu thiện cảm thì bản thân người giúp việc sẽ có những phản ứng thiếu tích cực. Đó là mối quan hệ hai chiều hoàn toàn bình đẳng và phản ánh rõ về chân lý “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
Mai Thương
Sources: Vnexpress |