Ngày Đăng: 04 Tháng 09 Năm 2015 Họ là những nhạc công khiếm thị, cả cuộc đời dành tâm huyết cho những ngón đờn từ khổ luyện, sáng tạo, cầu tiến để nuôi sống bản thân và đốt cháy đến tận cùng niềm đam mê âm nhạc dân tộc thông qua tiếng đờn tri âm, tri kỷ
Danh cầm cổ nhạc Văn Bền, hậu duệ của cố danh cầm Văn Vĩ, vừa về cõi vĩnh hằng ngày 1-9 ở tuổi 71 trong niềm thương xót của người thân, đông đảo nghệ sĩ sân khấu cải lương và khán giả mến mộ. Trước khi từ trần, ông đã tiếp nối và làm rạng rỡ con đường truyền thụ âm nhạc dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử, cho các thế hệ học trò. Không chỉ dạy nghề, ông còn dạy cả nhân cách sống để những học trò khiếm thị như mình vẫn ngẩng cao đầu, sống có ích cho cộng đồng, cho nền nghệ thuật của nước nhà.
Vượt qua bóng tối
Lý giải vì sao hầu hết các danh cầm cổ nhạc trứ danh đều khiếm thị, họ đã học nhạc cụ dân tộc bằng phương pháp nào để trong từng ngón đờn, từng cách nhấn nhá thang âm điệu thức ngũ cung, mỗi người có một lối trình diễn ngẫu hứng riêng, tạo nên dấu ấn cho bài vọng cổ và bài bản đờn ca tài tử, “ông vua vọng cổ” Viễn Châu giải thích: Đôi mắt cho ta nhìn thấy khung cảnh trữ tình để cảm xúc lâng lâng, còn với người khiếm thị, trí tưởng tượng của họ bay bổng gấp nhiều lần người sáng mắt. “Một lần ngồi uống trà, tôi hỏi anh Văn Vĩ, vậy chớ bị mù như vậy anh học đờn bằng cách nào? Anh cười nói học bằng thính giác. Tai nghe cho anh cảm nhận tốt những thang âm điệu thức, âm nhạc ngũ cung một cách dạt dào sâu lắng như khi ta thả hồn trước con sông. Anh Văn Vĩ cũng như các thế hệ học trò là người khiếm thị có 3 nguyên tắc sống đáng khâm phục: Học sự chuẩn mực trong ngón đờn trước khi phá cách; lắng nghe sự góp ý, rồi so sánh với các bậc cao niên mà đúc kết kinh nghiệm và xem cây đờn như là vợ” - nghệ sĩ Viễn Châu nói.
| Danh cầm Văn Giỏi (trái), nhạc sĩ Thanh Hải và nghệ sĩ Bạch Tuyết trong live show “Tự tình quê hương” của nghệ sĩ Bạch Tuyết |
Sinh thời, mỗi đêm trăng rằm, nhạc sĩ Văn Bền thường được con trai chở qua Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM để đệm đờn cho các nghệ sĩ lão thành ca. Có lần, chúng tôi hỏi ông về nguyên tắc thứ ba mà danh cầm đờn tranh Bảy Bá đã nhắc, hậu duệ của nhạc sĩ Văn Vĩ cười: “Thầy tôi nghĩ ra yếu tố đó để khẳng định với học trò muốn đờn hay phải nâng niu, cưng chiều cây đờn như cưng vợ vậy”. Nhạc sĩ Văn Bền từ tốn giải thích: “Tâm hồn nghệ sĩ mà! Cứ để trái tim yêu, rung động thì đờn mới hay. Như thầy tôi, xem cây guitar phím lõm là vợ, xem các loại nhạc cụ khác là người tình. Chung thủy với vợ nhưng được yêu để sáng tạo trong tâm thức, ví như mình được ngắm nhiều bông hoa đẹp vậy”.
Danh cầm Văn Giỏi cũng sống cuộc đời mù lòa nhưng ngón đờn của ông cũng thuộc hàng trứ danh, sáng tạo cho đời sống âm nhạc cải lương hai điệu thức để đời: “Phi vân điệp khúc” và “Đoạn khúc lam giang”, đồng thời ông và nhạc sĩ Thanh Hải đã hợp soạn điệu thức “Vọng kim lang” làm nức lòng người hâm mộ. Nhạc sĩ Khải Hoàn cũng chịu cảnh đời khiếm thị nhưng nhờ quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, tiếng đờn guitar phím lõm của ông cũng vang danh. Các thế hệ học trò của nhạc sĩ Văn Bền: Văn Tâm, Văn Chánh, Văn Hiếu, Văn Nhân, Văn Thiện… 2/3 trong số họ đều khiếm thị, đang tiếp tục sự nghiệp của thầy. “Họ theo phương châm sống thiếu đôi mắt nhưng sáng tâm hồn. Ngón đờn phải sáng tươi, bay bổng” - nghệ sĩ Ngọc Giàu xúc động đúc kết.
Đời bất hạnh nhưng sống tử tế
Có lẽ nhờ những ngón đờn tươi sáng, khao khát được sống hạnh phúc mà cuộc đời những nhạc công khiếm thị trong nền cổ nhạc miền Nam đều vượt qua số phận bất hạnh để làm người tử tế.
Năm 3 tuổi, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi nguồn sáng của cậu bé Văn Vĩ. Từ đó, Văn Vĩ chỉ có thể cảm nhận thế giới xung quanh qua âm thanh, mùi vị và đôi bàn tay. Chính vì sống trong “thế giới bóng tối” mà danh cầm Văn Vĩ đã tạo nên thứ âm thanh tuyệt diệu, xuất chúng. “Ông rất thông minh, lượm được cây đờn guitar cũ ai đó bỏ ở chợ, ông tự mày mò học đánh đờn. Tài năng, đam mê và lòng quyết tâm đã giúp ông bước lên hàng đỉnh cao nghệ thuật. Ông sống tử tế, hiếu thảo nên được người trong giới kính trọng. Bản thân tôi nếu không có ông thì khó lòng theo nghiệp ca hát” - “sầu nữ” Út Bạch Lan xúc động nói.
Nhạc sĩ Văn Bền được nhạc sĩ Văn Vĩ nhận làm đệ tử truyền hết ngón nghề cũng từ sự đam mê, yêu đàn guitar phím lõm, lại có ý chí cầu tiến và sống đúng nghĩa khí của bậc trượng phu. “Thầy tôi mở lò đào tạo nhưng thấy những học trò nghèo không có tiền đóng học phí, ông tặng luôn lại còn nuôi ăn học” - nhạc sĩ khiếm thị Văn Thiện khóc kể lại khi đến dự đám tang thầy.
Danh ca Út Bạch Lan nhớ lại: “Anh Văn Vĩ và tôi từng đi đờn ca dạo để mưu sinh. Bữa đói bữa no nhưng dứt khoát phải kiếm được tiền mua bánh mì về cho hai bà mẹ (mẹ tôi và mẹ anh - NV). Có lần gặp trời mưa, hai anh em đi đờn hát chỉ kiếm đủ tiền mua hai ổ bánh mì không mang về cho hai mẹ và tôi cùng chấm nước tương ăn đỡ đói. Mẹ tôi hỏi anh Văn Vĩ sao không ăn, anh nói con ăn rồi, dù tôi biết bụng anh đang đói. Nhớ tình nghĩa của anh, tôi không sao quên được con người sống rất hiếu kính và tử tế nhất trong cuộc đời này”.
Nhạc sĩ Khải Hoàn là tay đờn chính trong dàn nhạc cổ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Nhiều năm qua, ông mở phòng thu âm, hướng dẫn con trai chỉ huy phòng thu nên cũng ăn nên làm ra. Đều đặn mỗi tháng, ông đóng góp cho quỹ từ thiện chăm lo nghệ sĩ nghèo. Nhạc sĩ Văn Giỏi dù đã rời xa sàn diễn, sống cuộc đời ẩn dật nhưng hễ ở đâu có người trong giới cần sự giúp đỡ, ông đều nhờ học trò mang tiền đến tận nơi giúp.
Hầu hết những mẩu chuyện kể về nhạc sĩ khiếm thị đều đầy nước mắt. Bao nhiêu vốn quý, sự thông minh, mẫn cảm họ dồn hết vào ngón đờn. Nói như danh cầm Văn Giỏi, tiếng đờn của người nhạc sĩ mù ví như tình cho không để mỗi khi đối diện với lương tâm, họ có được nụ cười mãn nguyện. Sống trong tăm tối nhưng tâm hồn sáng trong như ngọc.
Đa tình không kém
Tình duyên của các nhạc sĩ khiếm thị tài hoa cũng tràn ngập cung bậc cảm xúc không kém gì người sáng mắt. Các nữ khán giả của các đoàn hát đi xem có người chẳng mê kép hát mà mê anh nhạc công khiếm thị. Nhạc sĩ Văn Thiện là điển hình, anh có khuôn mặt sáng sủa, vì bệnh đậu mùa mà mất đi đôi mắt. Thế nhưng, nhờ điển trai, đờn hay nên được nhiều cô gái đem lòng yêu thương. Ngày cưới của Văn Thiện, thầy Văn Bền đến dự với một lời khuyên: Đa tình để ngón đàn thêm bay bổng nhưng đối với vợ phải chung thủy một lòng.
Sources: Nld |