Ngày Đăng: 15 Tháng 10 Năm 2017 Ở liveshow tối 14/10, ca sĩ xúc động khi thầy giáo kể thời anh nấp sau cửa lớp, học trộm bài thanh nhạc đầu tiên.
| Liveshow "Mặt trời của tôi" kỷ niệm 20 năm ca hát của Đăng Dương, diễn ra ở Hà Nội tối 14/10. Anh mời hai nhân vật quan trọng là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thanh Tâm và NSND Quang Thọ. NSND Thanh Tâm là người thầy đầu tiên của Đăng Dương, dạy anh đàn bầu ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Theo lời kể của NSND Thanh Tâm, Đăng Dương ban đầu đi theo anh rể để thi tuyển vào lớp thanh nhạc. Tuy vậy, ca sĩ khi ấy chưa đến tuổi vỡ giọng nên không đạt điều kiện. Cô Thanh Tâm đã gợi ý anh học đàn bầu để có nền tảng vững chắc hơn trước khi thi vào thanh nhạc sau này. Cô giáo vẫn nhớ năm 13 tuổi, Đăng Dương gầy gò, thấp bé và nhút nhát. |
| NSND Quang Thọ cho biết dù học đàn bầu, Đăng Dương vẫn giữ niềm say mê với chuyện học hát. Anh thường nấp sau cửa lớp để xem trộm thầy dạy thanh nhạc rồi bắt chước theo. Khi đó, thầy hỏi anh: "Tại sao lại thích học hát? Đàn bầu chỉ có một dây thôi, học sau mấy tháng là đi Tây tức thì. Còn học hát mất tám năm, gồm bốn năm trung cấp và bốn năm đại học, rồi mới được ra ngoài cất giọng". Nhưng thấy Đăng Dương quả quyết muốn theo nghề, NSND Thọ nói anh về nhà chuẩn bị để thi thanh nhạc khi đủ 14 tuổi. |
| Năm 1992, Đăng Dương thi vào khoa thanh nhạc và là một trong những sinh viên đạt điểm cao nhất. Anh được NSND Quang Thọ nhận vào lớp trung cấp. Năm 1996, NSND Trung Kiên về Nhạc viện Hà Nội giảng dạy và yêu cầu khoa Thanh nhạc đề xuất một sinh viên để ông đào tạo. Nghệ sĩ Diệu Thúy - chủ nhiệm khoa lúc ấy - đã đùa với NSND Quang Thọ: "Thôi ông Thọ ơi, ông 'nhả' thằng Dương ra cho ông Kiên đi". Đó cũng là suy tính của NSND Quang Thọ. Ông muốn giọng hát của Đăng Dương bay xa hơn nữa khi đi theo một chuyên gia về giọng tenore (nam cao) như NSND Trung Kiên thay vì một thầy giáo giọng baritone (nam trầm) như ông. |
| NSND Quang Thọ tiết lộ hầu hết tác phẩm được trình bày trong tối 14/10 đều là những bài học xưa của hai thầy trò. Ông nhận xét giọng hát Đăng Dương giờ đã đạt tầm cao khác trước. Sau những chia sẻ của thầy cô, Đăng Dương bước xuống hàng ghế khán giả để tặng hoa cho những người từng dạy dỗ mình. Khi ôm NSND Quang Thọ, anh dừng lại một hồi lâu, lau khóe mắt. |
| Liveshow được ấp ủ suốt nhiều năm của Đăng Dương bao gồm nhiều ca khúc quen thuộc, từng giúp anh tạo tên tuổi như: "Hà Nội niềm tin và hy vọng", "Giai điệu Tổ Quốc", "Những ánh sao đêm", "Tự nguyện"... Đăng Dương còn chơi tác phẩm "Se chỉ luồn kim" bằng đàn bầu để gửi tặng khán giả và thầy cô. |
| Bộ ba Đăng Dương, Việt Hoàn và Trọng Tấn tái hợp trong một loạt tác phẩm nhạc Nga như "Chiều Moscow", "Chiều hải cảng", "Thời thanh niên sôi nổi"... Trước liveshow, ban tổ chức tiết lộ Trọng Tấn bị sốt xuất huyết suốt ba ngày và lo lắng anh khó hoàn thành các tiết mục. Tuy vậy, Trọng Tấn vẫn giữ được chất giọng cao, sáng và khỏe khi kết hợp cùng hai đàn anh. |
| Liveshow của Đăng Dương bao gồm bốn phần: chính ca, dân ca, tình ca và nhạc ngoại. Các nghệ sĩ hòa quyện cùng dàn nhạc giao hưởng. Những kỹ thuật thính phòng được Đăng Dương trưng trổ vừa đủ và dễ chịu với người nghe. Sau mỗi tiết mục, anh đều nhận được những tràng cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả. |
| Ca sĩ Đăng Dương và Lan Anh kết hợp trong các tác phẩm "Tự nguyện" và "Lippen Schweigen" (trích từ vở "Die lustige Witwe"). |
| Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy và ca sĩ Đăng Dương gửi tới người hâm mộ ca khúc "Khát vọng". |
| Bộ ba ca sĩ (từ trái sang) Đào Mác, Hồng Vy, Duyên Huyền cùng Đăng Dương thể hiện các nhạc phẩm "Bèo dạt mây trôi", "Qua cầu gió bay", "Gió đánh đò đưa". |
| Chương trình kéo dài hơn hai tiếng. Ban đầu, đêm diễn dự kiến kết thúc sau màn tam ca của Đăng Dương, Việt Hoàn và Trọng Tấn. Tuy vậy, trước sự ủng hộ của khán giả, các nghệ sĩ quyết định biểu diễn thêm bài "Việt Nam trên đường chúng ta đi". |
Ảnh: Giang Huy, Thành Đạt
Đức Trí
Sources: Vnexpress |
|
|