Ngày Đăng: 30 Tháng 06 Năm 2011 - Gần 4 năm sau Sao Mai 2007, từ một chàng sinh viên tỉnh lẻ, Lê Anh Dũng đã gặt hái được ít nhiều thành công trong cuộc sống. Một danh hiệu, một sự nghiệp ổn định và một tổ ấm hạnh phúc…
1. “Đã có lúc học sinh của tôi phải rơi lệ…”
Lê Anh Dũng đã là giảng viên thanh nhạc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam được ba năm và sắp có một lứa học trò tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc. Vì là giảng viên trẻ nên sao mai này cũng chưa đông học sinh lắm, một tuần chỉ lên lớp ba ngày. Ba năm làm giảng viên đã cho Dũng nhiều vốn sống và kinh nghiệm trong nghề.
“Cũng đã có lúc học sinh của tôi phải rơi lệ vì những lời khuyên răn của thầy khi các em phạm sai lầm trong nghề, nhưng các em cũng hiểu rằng những gì thầy trách mắng cũng chỉ là muốn cho mình tốt hơn. Nghệ thuật rất khắc nghiệt nếu không lao động một cách nghiêm túc thì rất dễ bị đào thải”, Lê Anh Dũng chia sẻ.
Theo Dũng, đối với học trò, thầy phải luôn tạo được cái uy của người thầy nhưng cũng không quá cứng nhắc khi dạy vì đây là môi trường nghệ thuật. Người thầy phải biết truyền lửa và cảm xúc và sự hưng phấn cho học sinh thì mới có hiệu quả. Nhiều lúc dạy học, những lúc học sinh làm được những điều thầy chỉ bảo và thăng hoa với nghề, chìm đắm trong âm nhạc là những giây phút Dũng cảm thấy vui và hạnh phúc nhất vì đã làm được một điều gì đó cho sự nghiệp của các học trò.
2. Từng lười biếng và thiếu trách nhiệm
Lê Anh Dũng tâm sự: “Một người ca sĩ khi bước ra từ một cuộc thi danh giá phải chịu rất nhiều sức ép từ phía công chúng cũng như những người trong nghề, đòi hỏi họ phải có sự tỉnh táo, tập trung và làm việc với cường độ cao. Có thể nói là phải hy sinh vì nghề thì hình ảnh và sự ảnh hưởng của họ mới bền chặt với công chúng được, nhất là trong thời buổi thị trường âm nhạc lúc này sôi động hơn bao giờ hết”.
Hậu Sao Mai, Dũng tự nhận mình chưa làm gì được nhiều, chưa tạo được vị thế và chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Cũng do nhiều lý do, sau khi thi Sao Mai, anh bận tập trung thi tốt nghiệp Đại học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc, sau đó lập gia đình rồi bắt tay vào kinh doanh… Và vô vàn lý do từ cuộc sống gấp gáp đem lại như thị trường âm nhạc bùng nổ và phát triển quá nhanh, dòng nhạc thính phòng thiếu sự đầu tư quy mô và tính chuyên nghiệp, ca sĩ dòng nhạc thính phòng khó khăn về mặt kinh tế dẫn tới làm việc không tập trung, không nghiêm túc và dần mất đi tính chuyên nghiệp…
Không giấu diếm, Lê Anh Dũng tự nhận chính những điều ấy khiến sự lười biếng, thiếu trách nhiệm với nghề cùng với nhiệt huyết và niềm đam mê trong anh không còn mãnh liệt như trước nữa. Nhưng ngẫm lại, hầu như người nghệ sĩ nào cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn như vậy trong nghề. Quan trọng là sau khi nhận ra khó khăn, những ca sỹ như Dũng sẽ tiếp tục làm gì để khẳng định mình.
3. Vượt qua thực tế chua chát
Trong một bài phỏng vấn, Lê Anh Dũng không giấu sự “tị nạnh” với ca sỹ nhạc nhẹ rằng ca sỹ thính phòng “có quý, có hiếm thật nhưng lại đang thiếu địa điểm để được trưng bày và còn thiếu cả số lượng đông đảo khán giả đến thưởng thức”. Với anh, đây là một thực tế "chua chát" đối với dòng nhạc mà người ta thường gọi là bác học.
Cũng bởi thực tế chua chát ấy, không còn cách nào khác là mỗi ca sĩ theo dòng nhạc này phải biết cách làm nó sống dậy và đưa nó tiếp cận gần hơn với thính giả, thông qua việc làm mới nó, làm mới tư duy và đột phá trong cách thể hiện. Chưa kể, cuộc sống ngày càng thay đổi dẫn tới nhận thức và thưởng thức về âm nhạc thay đổi, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự tìm tòi, khám phá, làm mới cái cũ và tiếp cận cái mới. Qua đó tạo nên một diện mạo mới cho dòng nhạc thính phòng, hiện đại và trẻ trung hơn, hợp với thời đại hơn, nhưng cũng không được nằm ngoài những quy luật cổ điển.
Ngay từ khi thi Sao Mai, Dũng đã nhận thức và nhìn thấy được điều đó. Bằng chứng là trong mỗi một vòng thi, Dũng đều có sự mới mẻ trong chọn lựa ca khúc và cách thể hiện. Không ham hố thể hiện những ca khúc thính phòng truyền thống, Lê Anh Dũng khá khôn ngoan khi ghi dấu ấn với khán giả bằng những tác phẩm thính phòng trữ tình bán cổ điển. Chính sự lựa chọn này đã giúp Dũng thành công vượt ra khỏi phạm vi cuộc thi Sao Mai ngày nào…
Không phủ nhận, có lúc sự lười biếng và thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp đã xuất hiện trong Lê Anh Dũng. Nhưng đến thời điểm này, khi mọi thứ đã dần đi vào quỹ đạo, Dũng đang cố gắng phấn đấu sống có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp. Anh tâm niệm, chỉ bằng sự làm việc nghiêm túc để cho ra những dự án âm nhạc có chất lượng thì mới khẳng định được tên tuổi và có chỗ đứng lâu dài trong lòng khán giả được. Điều cốt lõi đó đang được anh nỗ lực xây dựng trong năm nay bằng những dự án âm nhạc.
Dự án âm nhạc tiếp theo là album vol 2 của cá nhân Dũng sẽ ra mắt không lâu nữa. Nếu các dự án thành công, năm 2011 sẽ là năm “niêm vui nhân đôi” bởi gia đình nhỏ của Lê Anh Dũng còn sắp chào đón sự xuất hiện của một thành viên tí hon vào cuối tháng 7 này.
Sources: vtc |