Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tìm Tiểu Sử Nhạc Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ » Tiểu Sử Năm Châu


    Trong lịch sử sân khấu cải lương miền Nam, khi người ta nhắc đến tên những nghệ sĩ tiền phong có công khai sáng và vun bồi cho nền ca kịch cải lương thì tên tuổi của nghệ sĩ Năm Châu được kể ở hàng đầu, trước những tên tuổi lẫy lừng của những nghệ sĩ tài danh cùng thời. Công bằng mà nói thì mỗi nghệ sĩ tiền phong đều có biệt tài riêng, mỗi người có một sở trường riêng, mỗi người đều để lại dấu ấn sâu sắc qua các vai tuồng gọi là « để đời » vì khó có nghệ sĩ khác diễn vai đó hay hơn họ.
    Ví dụ : khi nhắc đến vai Lữ Bố thì người ta nhớ ngay đến cô Phùng Há. Nhắc vai An Lộc Sơn là nhớ đến Năm Châu trong tuồng Trường Hận. Nói đến cô Năm Phỉ thì nhớ đến vai Bàng Quí Phi trong tuồng Xử Án Bàng Quí Phi. Nhắc đến nghệ sĩ Tám Danh là nhớ đến vai Hà Công Yên trong tuồng Tứ Đổ Tường; nhắc đến Út Trà Ôn là nhớ vai thằng Gù trong tuồng Hoàng Tử Lưng Gù, nhắc đến quái kiệt Ba Vân là nhớ đến vai Phê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu….
    Về phương diện sáng tác, các soạn giả tiền phong cũng có những biệt tài làm cho tác phẩm của mình mang những sắc thái riêng biệt, góp phần thêm phong phú cho nội dung và hình thức ca kịch cải lương. Ví dụ khi nói tới soạn giả Năm Nở là người ta nhớ ngay những vở cải lương trào phúng. Nói tới soạn giả Mộng Vân là người ta nhớ ngay những tuồng kiếm hiệp và các bài ca nhỏ gác vọng cổ, đã có một thời kỳ các tuồng cải lương kiếm hiệp nầy ngự trị trên rất nhiều đoàn hát lớn, nhỏ ở miền Nam. Nói đến soạn giả Tư Chơi, người ta nhớ ngay sáng kiến đưa những bản nhạc Tây lời Việt trong các tuồng Hoạt Kê Hài Hước (như loại opérette musicale của Pháp), các bài nhạc dùng trong các vở hoạt kê hài hước nầy do nghệ sĩ Tư Chơi sáng tác, có thể dùng các cây đàn cổ nhạc và các nhạc cụ phương Tây để cùng hòa tấu. Nhắc đến soạn giả Bảy Cao, khán giả nhứt định nhớ đến các loại tuồng xã hội chiến tranh mà khán giả và báo chí kịch trường gọi nôm na là loại tuồng «Cắc Bùm ».
    Nhưng nhắc đến nghệ sĩ kiêm soạn giả Năm Châu thì gần như trên lãnh vực nào về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương, nghệ sĩ Năm Châu cũng được người trong giới nghệ sĩ nhìn nhận anh là người đầu tiên đã khai sáng hoặc đóng góp công lao nhiều nhất. Nghệ sĩ Năm Châu vừa là một diễn viên kỳ tài, vừa là một soạn giả có nhiều tuồng hay, vừa là đạo diễn sân khấu đầu tiên áp dụng kỹ thuật tân tiến của sân khấu Tây Phương vào nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Anh Năm Châu từng là Bầu của nhiều đoàn hát lớn, nơi mà anh thực hiện chủ trương tạo dựng một sân khấu « Thật và Đẹp » và cũng là nơi mà anh đào tạo được nhiều thế hệ nghệ sĩ kế thừa, những hạt ngọc của sân khấu cải lương, thoại kịch, điện ảnh trong các thập niên 50, 60, 70.
    Nghệ sĩ Năm Châu cũng là giáo sư kịch nghệ khóa đầu tiên của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon khi ông Nguyễn Phụng đảm nhiệm chức vị Giám Đốc trường năm 1962. Anh Năm Châu cũng là người Trưởng Đoàn đưa nghệ sĩ cải lương miền Nam đi biểu diễn ở Pháp, Anh Quốc và các nước Tây Âu trong dịp có Hội Nghị Bốn Bên bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam năm 1969 tại thủ đô Paris.
    Và chót hết, không thể không nhắc tới những hoạt động của anh Năm Châu trong lãnh vực điện ảnh khi anh thực hiện các phim tuồng chuyển từ các vở cải lương và trong lãnh vực chuyển âm, lồng tiếng cho các phim ngoại quốc khi ngành nghệ thuật này mới phôi thai trong những năm 1950 – 1960.
    Viết về tiểu sử và sự nghiệp của một nghệ sĩ kỳ tài như Năm Châu thì một người dù hiểu biết sâu sắc đến đâu, có trí nhớ tuyệt diệu cách nào cũng khó có thể viết cho đầy đủ, chu đáo và mạch lạc, nhất là trong hoàn cảnh đang ở xứ người, thiếu tài liệu tham khảo.
    Tôi có cái danh dự được sinh ra cùng một làng, một tỉnh Mỹ Tho và cùng học một trường Trung Học Mỹtho với anh Năm Châu, tôi lại có dịp làm việc cho đoàn hát Việt Kịch Năm Châu từ năm 1952 đến năm 1955, thời kỳ cực thịnh của đoàn hát Việt Kịch Năm Châu với vở tuồng « Tây Thi, Gái Nước Việt » mà anh Năm Châu làm đạo diễn. Anh Năm Châu cũng thủ một vai quan trọng trong tuồng Tây Thi, có khi anh thủ vai vua Ngô Phù Sai, có khi anh thủ vai Phạm Lải.
    Tôi cũng được hân hạnh học hỏi và theo dõi cách thức anh Năm Châu đạo diễn các vở tuồng Miếng Thịt Người, Hàm Lệ Thái Tử nước Đan Mạch và tuồng Gió Ngược Chiều. Sau đó tôi có nhiều dịp được cộng tác với anh Năm Châu và chị Kim Cúc trong phim trường Mỹ Vân khi anh đạo diễn phim Bóng Người Đi, lấy cốt truyện và đối thoại trong tuồng cải lương Hai Hình Bóng Một Cuộc Đời của tôi sáng tác, hát trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga.
    Tôi hy vọng những gì tôi viết về anh Năm Châu sẽ là những tài liệu đóng góp cho những nhà sưu khảo và nghiên cứu về lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam trong ba thập niên 50, 60, 70.
    Anh Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu, sanh ngày 09 tháng 01 năm 1906, tại tổng Thuận Trị, làng Điều Hòa, tỉnh Mỹtho. Theo lời của anh Tám Kiết, quản lý đoàn hát Việt Kịch Năm Châu( chồng của cô Tám, em ruột của anh Năm Châu) cha của anh Năm Châu là một công chức Tòa Bố Mỹtho, vì làm mích lòng ông Tỉnh Trưởng người Pháp nên bị thuyên chuyển ra làm việc ở đảo Phú Quốc, tỉnh Rạch Gía. Anh Năm Châu học năm thứ hai Ban Thành Chung trường Trung Học Mỹtho, nhân dịp nghĩ hè, anh ra Phú Quốc thăm cha. Đến ngày tựu trường, vì bão tố, tàu bè không thể trở về đất liền kịp ngày nhập học, anh bị trễ nên bị cúp học bổng và bị đuổi. Gia đình định cho anh tiếp tục học ở trường Taberd Saigon nhưng anh quyết định tự lập, theo nghiệp cầm ca, anh gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹtho (1922).
    Thầy Năm Tú, người có du học ở Pháp về, đem lối diễn kịch của Pháp ra hướng dẫn cho đào kép trong gánh hát của ông để thay dần lối Ca Ra Bộ, lối hát cũ của gánh hát Cirque Sadec – Amis của thầy Thận. Ngoài ra ông thầy tuồng Mạnh Tư Trương Duy Toản cũng tập cho cách hát và ra bộ trong các tuồng Trang Tử Cổ Bồn Ca, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên - Nguyệt Nga của ông sáng tác. Những nghệ sĩ nổi tiếng của gánh hát Thầy Năm Tú có Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du, Ba Thâu, các cô Ba Nhàn, Ba Liên, Sáu Huề…
    Khi tôi vào cộng tác với đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, trong những lúc nói chuyện tâm tình, anh Năm Châu thường nói cho chúng tôi (các nghệ sĩ trong đoàn hát) biết là anh đã học được nhiều bài học quý báu trong nghề hát nhờ nơi thầy Năm Tú. Việc anh khai sáng một dòng nghệ thuật cải lương tuồng Tây song song với dòng cải lương tuồng Tàu đang thịnh hành nhất lúc bấy giờ là do ành hưởng sâu sắc của ông Bầu kiêm Đạo diễn thầy Năm Tú.
    Theo dõi những năm đầu khởi nghiệp cầm ca của nghệ sĩ Năm Châu, tôi được biết :
    • năm 1922 đến 1924, anh hát cho đoàn hát thầy Năm Tú, hát các tuồng Bùi Kiệm Nguyệt Nga, Trang Tử thử vợ, Thúy Kiều – Kim Trọng, Lục Vân Tiên…
    • Năm 1923, anh sáng tác hai tuồng : Nghĩa Bộc Thủ Phần và Tiên Biệt Phu.
    • Từ năm 1925 đến năm 1928, anh Năm Châu và cô Phùng Há hát cho đoàn hát Tái Đồng Ban của ông Bầu Hai Cu, chủ tiệm vàng ở Mỹtho, tuồng Sở Vân té lầu, Tra Án Quách Què, Xử Án Bàng Quí Phi, Tang Đại Giả Gái. Anh Năm Châu sáng tác các vở tuồng Anh Hùng Náo Tam Môn Nhai, Tái Sanh Duyên, Mổ Tim Tỷ Can, Thôi Tử Thí Tề Quân, Võ Tòng Sát Tẩu.
    • Năm 1926 : sáng tác vở Mộc Quế Anh. Khi hát tuồng nầy, anh Năm Châu thủ vai Dương Tôn Bảo, cô Phùng Há thủ vai Mộc Quế Anh, về nghệ thuật ca diễn, Năm Châu và Phùng Há là hai diễn viên được coi là thượng thặng lúc bấy giờ. Trước đó đoàn hát Nam Đồng Ban ( tiền thân của đoàn Tái Đồng Ban) có hai diễn viên xuất sắc là kép Hai Giỏi và đào Năm Phỉ. Khi Hai Giỏi bị bịnh mất, cô Năm Phỉ buồn quá, bỏ gánh hát mà đi thì ông bầu Hai Cu mời Phùng Há về thế Năm Phỉ, Năm Châu thế cho Hai Giỏi. Khán giả ái mộ tặng cho đôi diễn viên nầy hai câu vui : Năm Châu câu Phùng Há, Phùng Há đá Năm Châu.
    Tình cảm giữa đôi diễn viên trai tài gái sắc Năm Châu –Phùng Há vừa chớm nở thì ông thầy đờn kiêm soạn giả Tư Chơi đến trước một bước, ông sống chung với cô Phùng Há và có đứa con gái đầu lòng : đặt tên là Bửu Chánh(1926). Hai năm sau, cuộc tình duyên nầy tan rã, ông Tư Chơi rời gánh hát Nam Đồng Ban, cô Phùng Há về Hạc San bên Tàu thăm quê nội, gởi con gái Bửu Trân cho em ruột của cô là Trương Liên Hảo dưỡng nuôi. Chồng của Liên Hảo họ Lý, cải họ cho dưỡng nữ là Lý Bửu Trân.
    Năm 1929, Năm Châu và Phùng Há gia nhập đoàn hát Huỳnh Kỳ của ông Bầu Phước Georges tức Bạch Công Tử. Nghệ sĩ Năm Châu sáng tác tuồng Thôi Tử Thí Tề Quân, Mổ Tim Tỷ Can. Hai nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há nổi danh là một cặp đào kép xuất sắc, thinh sắc lưởng toàn khi hát các tuồng Giọt Máu Chung Tình, Võ Tánh Tử Tiết, Mộc Quế Anh, Phụng Nghi Ñình của soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Cô Phùng Há trở thành bà Bầu gánh hát Huỳnh Kỳ, chung sống với chồng là Bạch Công Tử Phước Georges (Georges Lê Công Phước).
    Nghệ sĩ Năm Châu kết duyên với nữ nghệ sĩ Ngọc Trâm, nghệ sĩ tài sắc nổi danh từ sân khấu đoàn hát Tập Ích Ban, dưới sự đào luyện của thầy tuồng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Nữ nghệ sĩ Ngọc Trâm về đầu quân gánh hát Huỳnh Kỳ, cùng đóng vai đào nhì với nữ danh ca Tư Sạng, đứng sau ngôi sao sáng nhất đương thời là nữ nghệ sĩ Phùng Há.
    Trong thời gian nầy, vai trò của nghệ sĩ Năm Châu sáng chói nhờ tài ca diễn và được khán giả khen là kép đẹp trai nhứt lúc bấy giờ, ngoài ra nghệ sĩ Năm Châu còn được biết đến như một ông thầy tuồng tài ba, có nhiều vở hát thành công và anh cũng là một ông đạo diễn giỏi, dạy nghề hát cho các nam nữ nghệ sĩ trong đoàn như các anh Tư Út, Năm Thiên, các cô Ngọc Trâm, Tư Sạng, Phùng Há, Ba Liên…
    
    Từ năm 1929 đến năm 1936, thời gian nghệ sĩ Năm Châu cộng tác với gánh hát Huỳnh Kỳ, anh đã sáng tác được các tuồng Tội của Ai, Ngọn Cờ Hiệp Sĩ, (1927), Tiếng Nói Trái Tim ( 1928 ), Bằng Hữu Binh Nhung (phóng tác tiểu thuyết Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas fils), Hồn Chinh Phụ ( 1930 ),Mộng Hoàng Công Chúa, sau đổi tựa là Huyền Châu Nữ, hai vở nầy hợp soạn với soạn giả Tư Trang),( 1936 ) Túy Hoa Vương Nữ( phóng tác theo truyện Marie Tudor của Victor Hugo),và hai vở kịch Tố Hoa Nương, Đêm Không Ngày. Vở Đêm Không Ngày sau viết thành tuồng cải lương Đêm Dài Vô Tận.
    Các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Tư Út, Ngọc Trâm, Tư Sạng, Ba Du, Tám Mẹo gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông Bầu kiêm đại điền chủ Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ.
    Trên sân khấu Trần Đắc, trong khi soạn giả Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi tiếp tục sáng tác những vở tuồng tình cảm xã hội như Khúc Oan Vô Lượng, Lở Tay Trót Đã nhúng chàm, Tôi Xin Chừa, Hai Mặt còn Trơ, Ai Là Bạn Chung Tình, Em Muốn Tự Do, thì soạn giả Nguyễn Thành Châu tức nghệ sĩ Năm Châu mở một hướng sáng tác mới. Anh tung ra một loạt tuồng phóng tác theo các tiểu thuyết nổi tiếng hay các vở kịch kinh điển của văn học Pháp như « Giá Trị và danh dự »( phóng tác Le Cid của Pierre Corneille), « Bằng Hữu Binh Nhung »(Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas fils), Áo Người Quân Tử ( L’homme en habit), Tuý Hoa Vương Nữ( Marie Tudor của Victor Hugo), Miếng Thịt Người( Le marchand de Venise), Gió Ngược Chiều( Ruy Blas), Tơ Vương Đến Thác( La dame aux camélias)…
    Anh Năm Châu nói về phương hướng sáng tác mới của anh đại ý như sau :
    « Khán giả bây giờ không thích những tuồng có quá nhiều chữ Nho. Người ta theo Tây học, biết chữ quốc ngữ nên tuồng nào có đối thoại dễ hiểu là người ta thích. Tôi phóng tác các tuồng theo tiểu thuyết Anh, Pháp cũng là vì muốn phổ biến cho khán giả của mình một trào lưu tư tưởng tiến bộ của Tây Phương, nhân đó có thể áp dụng những tiến bộ nghệ thuật và kỹ thuật để làm giàu cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. Thử nghĩ xem, khi nói lối với những câu văn biền ngẩu, có chữ Nho hay không thì lối văn biền ngẩu cũng đòi hỏi người diễn viên diễn những động tác gò bó, trịnh trọng như câu văn. Còn viết đối thoại theo thể văn xuôi, khi diễn có thể nói như trong những câu chuyện thường ngày. Tôi chủ trương một sân khấu « Thật và Đẹp », bắt đầu bằng những câu chuyện có thể xảy ra trong cuộc sống bình thường, cuộc đối thoại và động tác của diễn viên cũng thật như mình thấy trong cuộc đời.»
    Trong những thập niên 30, 40, lúc mà cải lương tuồng Tàu đang rất được khán giả bình dân ưa thích, chủ trương một sân khấu « Thật và Đẹp » như nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu đã làm là một ý hướng tiến bộ nhưng cũng lắm khó khăn vì không phải trong một sớm một chiều mà thay đổi được sở thích hưởng thụ của khán giả bình dân.
    Ngay trong đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, sau hơn mười năm thực hiện một sân khấu Thật và Đẹp, các nghệ sĩ trong đoàn Việt Kịch Năm Châu cũng gặp nhiều khó khăn khi theo chân soạn giả Năm Châu trên con đường thực hiện một sân khấu thật và đẹp. Trước hết, người nghệ sĩ cải lương khi học ca, đã có thói quen « nói theo hơi đờn », có dạo nhạc mùi thì nói lối « ai » để ca vọng cổ hay nói giọng buồn. Dạo đờn hơi « Xuân » thì nói lối hơi xuân, vui… Và khán giả coi hát cải lương thì thích nghe ca vọng cổ, thích nghe ca nhiều bài cổ nhạc, họ nói coi hát cải lương mà nghe nói chuyện như trong thoại kịch thì thà đi xem kịch nói còn hơn.
    Đoàn Việt Kịch Năm Châu vì vậy mà mất dần khán giả, trong khi đó thì nghệ sĩ Năm Châu vẫn kiên trì với đường lối của mình. Tuồng của ông viết ít vọng cổ. Khi vô vọng cổ cũng không có ca gác bản nhỏ như những gánh hát khác. Khán giả của anh Năm Châu là một loại khán giả chọn lọc, khán giả trí thức hay là những khán giả rất sành Tây học, biết phân tích câu văn hay theo kiểu Tây học…
    Không hiểu đó có phải là những lời bào chửa hay tự an ủi mình của những anh em nghệ sĩ của đoàn Việt Kịch Năm Châu khi họ thấy các gánh hát khác như Thanh Minh, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng, Hoa Sen hát quá là đông khách, mặc dù sân khấu và tuồng tích của họ không theo như chủ trương của anh Năm Châu.
    Anh Năm Châu được rất nhiều nghệ sĩ tôn là sư phụ, anh không phải chỉ dạy có bài bản đàng hoàng ( trừ ra sau này khi anh dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon thì anh bắt buộc phải có giáo án theo như chương trình quy định của nhà trường). Mỗi khi tập tuồng mới, anh trực tiếp chỉ cho nghệ sĩ phải diễn như thế nào, nói lời đối thoại lớp hát đó ra sao và những động tác quăng bắt với nhau khi diễn cặp đôi. Anh Năm Châu cũng tỉ mỉ, quá là tỉ mỉ trong việc dàn cảnh hay trong việc nêu ra các quy định cho dàn cổ nhạc phải đờn đệm như thế nào trong từng lớp tuồng.
    Do cách dạy như vậy, diễn viên giỏi từng vai diễn chứ không phải toàn bộ nghệ thuật hát. Người diễn viên nổi danh nhờ vào một phần lớn năng khiếu của họ. Tôi nói đây là những diễn viên trong đoàn Việt Kịch Năm Châu trong những năm 1952, 1953, 1954.
    Cũng đồng thời là những bậc tôn sư trong nghề hát, nghệ sĩ Minh Tơ với lò đào tạo Đồng Ấu Minh Tơ, các nghệ sĩ xuất thân từ lò Đồng Ấu Minh Tơ đều trở thành những diễn viên tài danh về tuồng Tàu và tuồng Hồ Quảng. Con số đệ tử thành danh của nghệ sĩ Minh Tơ có thể lên đến con số hơn ba chục người. Số đệ tử của nghệ sĩ Năm Châu học có bài bản trong trường Quốc Gia Âm NHạc và Kịch Nghệ có thể trong vòng hơn mười người. Có lẽ thầy Năm Châu chỉ trực tiếp dạy có ba khóa học.
    Đời sống tình cảm của Anh Năm Châu
    Như trên đã nói qua, người vợ đầu tiên của anh là cô Sáu Trâm, nữ diễn viên tài danh của gánh hát Tập Ích Ban. Cô Sáu Trâm là người Tàu lai Việt (Triều Châu ) quê ở Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên.
    Năm 1925 gánh Tập Ích Ban rã. đào kép gia nhập gánh hát Văn Hí Ban của ông Bầu Huỳnh Kim Vui ở Chợ Lớn hoặc gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban của ông Bầu Hai Cu ở Mỹ Tho. Bảy Nhiêu, Tư Thới, Sáu Trâm và Sáu Tị gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban(1926).
    Gánh Tái Đồng Ban mời ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm soạn giả, vì vậy các vở tuồng cũ của ông như Giọt Máu Chung Tình, Phụng Nghi Đình, Hoa Mộc Lan đều được dàn dựng lại và trình diễn trên sân khấu Tái Đồng Ban.
    Sáu Trâm thủ vai Bạch Thu Hà và Năm Châu, vai Võ Đông Sơ trong tuồng Giọt máu Chung Tình, là cặp đào kép ăn khách nhất lúc bấy giờ. Sáu Trâm ca, diễn lai theo lối hát Tiều, ảnh hưởng cũ của gánh Tập Ích Ban, nhiều động tác tượng trưng tả ý như lối hát bội. Anh Năm Châu phải chỉ dẫn, tập luyện lại cho Sáu Trâm để khi ca, diễn chung, ăn ý, rặp ràng với nhau. Khi Năm Châu và Sáu Trâm trở thành cặp đào kép diễn xuất ăn khách nhất thì mối tình đầu nẩy nở, anh Năm Châu và chị Sáu Trâm trở thành một đôi vợ chồng xứng lứa vừa đôi nhất trong giới nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ.
    Cô Phùng Há ca diễn và sắc vóc đẹp hơn cô Sáu Trâm nên vô tình đẩy cô Sáu Trâm xuống hàng đào nhì. Năm Châu lại tỏ ra quá quyến luyến, lo chỉ dạy cho cô Phùng Há nên cô Sáu Trâm ghen, buồn duyên tủi phận, âm thầm rời khỏi gánh hát đột ngột. Anh Năm Châu và nhiều bạn bè của anh đổ xô đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng bặt tin mất dạng cô Sáu Trâm.
    Người vợ thứ hai của Năm Châu là đệ nhất nữ danh ca tiền phong Tư Sạng.
    Cô Tư Sạng tên thật là Đoàn Thị Sạng, sanh quán tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1925, cô gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông Trần Đắc Nghĩa, cùng với những nghệ sĩ tài danh Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út, Từ Anh, Phùng Há, Năm Kim Thoa, Ba Liên ( vợ của Từ Anh ). Trên sân khấu, Cô Tư Sạng chỉ là đào nhì, đứng sau cô Phùng Há, nhưng trên địa hạt đĩa nhựa thì cô được chủ gánh, hãng dĩa, các giới mộ điệu và khán giả tặng danh hiệu đệ nhất nữ danh ca. Cô được khán giả lục tỉnh và Sài Gòn biết đến và ái mộ trong các tuồng Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Tử Cổ bồn ca, Hạnh Ngươn cống Hồ, Lưu Yến Ngọc cứu cha . . .trên sân khấu cũng như các dĩa hát của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho. Dĩa hát mang nhãn hiệu Pathé (78 tours ) đường kính khoảng một gang rưỡi, phải dùng kim có gắn hột saphir ở đầu mới hát được. Vô đầu dĩa hát, bao giờ cũng có câu quảng cáo như sau:« Đây, ban hát cải lương thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát cho hãng Pathé - phono nghe chơi, tuồng. . . »
    Anh Năm Châu và cô Tư Sạng có 5 người con : Nguyễn Thành Văn, chủ rạp hát bóng Tây Đô trước 1975, Nguyễn Ngọc Bê đã đi tu, Nguyễn Trúc Thanh theo kháng chiến, tập kết ra Bắc, nay đã về hưu, Nguyễn Thanh Hương tức nữ nghệ sĩ Thanh Hương, vợ của danh hài Văn Chung, và Nguyễn Thanh Trúc. Hạnh phúc gia đình với cô Tư Sạng tan vở mặc dù họ đã có chung với nhau 5 đứa con khi cô Tư Sạng trở thành vợ thứ của ông Ngô Văn Mạnh (Năm Mạnh), chủ hãng dĩa hát Asia đã khiến Năm Châu sang tác vở kịch nổi tiếng là Phũ phàng sau biến thành vở cải lương Men rượu hương tình nội dung nói về cô đào hát ham tiền, phụ rảy người chồng là nghệ sĩ nghèo, để chạy theo kẻ khác giàu sang.
    Nhưng báo chí kịch trường trước 1975 có đưa ra lý giải khác là anh Năm Châu cũng dùng tuồng nầy để nói lên tình cảm của anh với cô Phùng Há.
    Năm 1937, khi anh Tư Chơi và cô Phùng Há xa nhau cũng là lúc cô Tư Sạng bỏ Năm Châu về với ông Năm Mạnh. Năm Châu đang chới với hận tình thì một lần nữa, cô Phùng Há, người bạn diễn mà cũng là người bạn tình, bước them bước nữa với Bạch Công Tử
    Người vợ thứ ba của Năm Châu là nữ nghệ sĩ Kim Cúc, con gái lớn của nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu , là người vợ cuối của anh Năm Châu từ năm 1948 cho đến ngày anh mãn phần năm 1978.
    Chị Kim Cúc sanh năm 1922, chồng của chị, anh Năm Châu sanh năm 1906, lớn hơn chị 16 tuổi.
    Nếu biết gia thế của chị Kim Cúc, biết cả một quá trình dài lâu của chị khi mới chập chững theo đoàn hát cải lương đến khi thành danh thì đối với một người lớn tuổi hơn mình rất nhiều, đối với một người từng là bạn thân thiết của cha mình mà chị chấp nhận kết hôn, phải thấy đó là do sự thán phục, lòng say mê nghệ thuật đưa đến tình yêu thương chân chính. Anh Năm Châu và chị Kim Cúc đều có chung một niềm say mê, một ước vọng chung là xây dựng một nền nghệ thuật cải lương Đẹp và Thật , biến sân khấu thành Một Thánh Đường Thiêng Liêng. Cả hai yêu nhau và thấy cần sát cánh bên nhau để thực hiện lý tưởng chung nên việc hai người chung sống thành chồng vợ là điều tất nhiên.
    Từ nhỏ, Kim Cúc có nhiều dịp gần gũi với chú Năm Châu, được chú Năm Châu rèn luyện, dạy ca, dạy diễn, tình cảm và thâm tâm Kim Cúc chuộng mẫu người trí thức, giỏi tay nghề, danh tiếng lẫy lừng và đẹp trai như chú Năm Châu. Cuộc hôn nhơn tuy có chênh lệch tuổi tác giữa vợ chồng nhưng cả hai chung sống rất hạnh phúc. Lúc này cô Kim Cúc đã 26 tuổi, cái tuổi đủ chững chạc để chọn cho mình một tấm chồng xứng đáng với lòng tin yêu về nghề nghiệp và sự rung động của con tim. Kim Cúc đã không lầm khi chọn người bạn đời như anh Năm Châu, vì những năm tháng tiếp liền sau đó cho đến cái ngày nhắm mắt xuôi tay anh Năm Châu đã cưng yêu vợ, hết long giúp đỡ, nâng cao tay nghề và thủy chung gắn bó với Kim Cúc. Năm Châu đã làm cho khán giả và mọi người trong giới sân khấu quên bẵng sự chênh lệch tuổi tác giữa anh và vợ anh. Mọi người công nhận đó là một cặp vợ chồng lý tưởng, yêu thương nhau và luôn luôn có mặt bên nhau giữa những phong ba bão táp của cuộc đời và trên nhữngbước đường thăng trầm của nghề nghiệp.
    Năm 1948, nghệ sĩ Năm Châu thành lập Ban Việt Kịch Phùng Há - Kim Lan - Năm Châu. Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, dưới bàn tay phù thủy của đạo diễn Năm Châu, đã làm rung động trái tim của khán giả hâm mộ qua các vai: Nữ Hoàng Túy Hoa trong tuồng Dân Chúng Trước Pháp Trường, vai cô Bê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu, vai Hoàng Hậu trong tuồng Gió Ngược Chiều, vai Tây Thi trong tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, vai bà Hoàng Hậu trong tuồng Hàm Lệ, Thái Tử nước Đan Mạch, vai vợ người chiến binh trong vở Người Mặt Cháy. .
    Tôi còn nhớ, năm 1952, anh Năm Châu mua được trại cưa bên kia cầu Bông, làm thành chỗ ăn ở cho cả đoàn Việt Kịch Năm Châu. Gia đình anh Năm Châu ở cái nhà sàn cất de ra sông phía tay mặt của trại. Gia đình của anh tư Trang cũng ở trong một cái nhà sàn cất de ra sông phía bên trái của trại. Khoảng giữa dành làm sân khấu giả để tập tuồng. Trong trại chia ra từng khoảnh để cho từng gia đình nghệ sĩ trong đoàn ở. Bếp là bếp chung, mỗi ngày nghệ sĩ ăn cơm hội như ở các trường nội trú.
    Lúc này ở Sài Gòn đang có phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ, anh Năm Châu nhờ các học sinh và giáo sư trường Huỳnh Khương Ninh đến dạy cho các diễn viên và công nhân sân khấu dốt, để mọi người biết đọc, biết viết. Những diễn viên dù đã thành danh hay mới vào nghề, một tuần lễ hai ngày, phải học đọc sách, phải biết đọc những đoạn văn đối thoại, phát âm đúng giọng, nói rõ, nói lớn và nói đúng theo các dấu chấm, phết, dấu hỏi hay cách nói buông lửng câu văn. . . Anh nói đó là cách hay nhất để diễn viên học đối thoại trên sân khấu, hiểu rõ ý văn của tác giả và có một căn bản học vấn tối thiểu để tự nâng cao nghề hát của mình. Ngoài ra anh còn chủ trương thực hiện cuộc sống mới, cấm cờ bạc, hút sách, nghiện rượu và cấm nói tục, chửi thề, những thói hư tật xấu mà xưa nay vẫn thấy có trong các đoàn hát. Anh nói: « Muốn cho dân chúng xóa bỏ mặc cảm Xướng Ca Vô Loại đối với nghệ sĩ thì người nghệ sĩ tự mình phải chứng minh có cuộc sống văn minh, có văn hóa. Mình hát trên sân khấu, muốn xây dựng một nghệ thuật Đẹp và Thật , mà bản thân người nghệ sĩ không đẹp thì khó mà thuyết phục được khán giả. Thủ diễn một vai chung thủy, hào hiệp, có đạo đức mà bản thân người nghệ sĩ bê bối quá thì khó mà thành công trong các vai tuồng đó trên sàn diễn. »
    Chị Kim Cúc, Kim Lan, hai cô đào chánh ăn khách nhất của đoàn là hai người gương mẫu nhất trong việc thực hiện chủ trương sân khấu thật và đẹp của anh Năm Châu.
    Cũng năm 1955, khi đoàn Việt Kịch Năm Châu rã, Tám Kiết, Chị Hai Nữ dùng xác gánh này lập thành đoàn hát Phước Chung. Gia đình anh Năm Châu, chị Kim Cúc, Kim Lan, ông Bảy Nhiêu tập hợp thành nhóm chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Phương và hãng phim Mỹ Vân. Về ngành phim ảnh, gia đình anh Năm Châu không gặt hái được sự thành công như mong muốn.
    Những năm cuối thập niên 1950, khởi đầu những năm 1960, sân khấu cải lương có sự chuyển biến lớn: những giọng ca vàng, những ông vua, bà hoàng vọng cổ bắt đầu ngự trị trên sân khấu cải lương. Thế hệ đàn anh, đàn chị, những bậc thầy về diễn xuất phải dần dần nhường bước cho lớp nghệ sĩ trẻ, dù lớp nghệ sĩ này chưa biết hát, chưa diễn xuất hay, nhưng họ ca vọng cổ được khán giả ưa chuộng. Các vị khán giả ái mộ cải lương nhớ lại từ những năm 1960 trở về sau này, những năm 1970, tên tuổi của vua vọng cổ Út Trà Ôn, các giọng ca vàng Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Út Hiền, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Dũng Thanh Lâm, Út Hậu, Phương Thanh, Tấn Tài, Thanh Hải và các giọng ca vọng cổ mượt mà như Sầu nữ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Thanh Nguyệt đã chiếm lĩnh sân khấu cải lương và các hãng dĩa. Khán giả ít thấy xuất hiện những tên tuổi diễn viên lớn trong đợt nghệ sĩ tiền phong.
    Từ năm 1962, khi anh Năm Châu được mời làm giáo sư kịch nghệ của trường QuốcGia Âm Nhạc Sài Gòn thì chị Kim Cúc, anh Duy Lân, anh Năm Nở, chị Ngọc Ánh và nhạc sĩ Hai Khuê, Sáu Tửng, cũng được mời làm giáo sư giảng dạy chung trường với anh Năm Châu.
    Sau 1975, chị Kim Cúc được mời làm giáo sư kịch nghệ cho nhà hát Trần Hữu Trang.
    Anh Năm Châu và chị Kim Cúc có với nhau sáu người con : Nguyễn thị Xuân Hợi ( con gái đầu lòng ) tốt nghiệp piano trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, Nguyễn thị Nguyệt Thu, tốt nghiệp Violon, vợ thứ của soạn giả Hoa Phượng, Nguyễn thị Kim Khánh, Nguyễn thị Ngọc Thanh, Nguyễn thị Hồng Dung, hiện giờ là đạo diễn cải lương, phụ trách sân khấu cải lương thể nghiệm ở 5B Võ Văn Tần (đường Trần Quý Cáp cũ ), Nguyễn Thành Long. Anh Năm Châu mãn phần ngày 21 tháng 4 năm 1978, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp, sau đó vài năm, con của anh Năm Châu dời mộ phần của cha về xã Phú Kiết, tỉnh Tiền Giang.
    

Source: maxreading

Tên Bài Báo về Năm ChâuNgày Đăng
 Nghệ Sĩ Năm Châu - Bậc Thầy Cải Lương 11 Tháng 05, 2014
 Thầy Năm Châu 09 Tháng 03, 2014
 Năm Châu – Phùng Há: Mối Tình Ám Ảnh Lòng Người 25 Tháng 06, 2012
 Chuyện Lạ Trong Ngôi Chùa Và Nghĩa Địa Của Nghệ Sĩ: Kỳ 2 - Nơi Nghệ Sĩ Trở Về 24 Tháng 04, 2012
 Nữ Nghệ Sĩ Tài Danh Kim Cúc: Người Vợ Thứ Ba Của Năm Châu 31 Tháng 10, 2011
 Chuyện Lạ Trong Ngôi Chùa Và Nghĩa Địa Của Nghệ Sĩ : Kỳ 1 - Nơi Linh Thiêng Cho Tâm Hồn Và Linh Hồn Của Người Nghệ Sĩ.  18 Tháng 05, 2011
 Năm Châu: Cuộc Đời Như Sân Khấu (Kỳ 2) 21 Tháng 03, 2007
 Năm Châu - Cuộc Đời Như Sân Khấu (Kỳ 1) 20 Tháng 03, 2007
Năm Châu Cải Lương
» Sông Dài
» Sông Dài
Năm Châu Tân Cổ
» Sông Dài