|
Tiểu Sử Nghệ Sĩ » Tiểu Sử Danh Hề Kim Quang
Tuồng Phu Tử Tòng Tử ( Hà Triều-Hoa Phượng) Thanh Tú - Thanh Nga - Bé Hương Lan - Hề Kim Quang - Hữu Phước
Nhắc lại những danh hề trong thời hoàng kim của sân khấu cải lương, khán giả ái mộ kịch trường không thể nào quên một danh hề của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Đó là danh hề Kim Quang, Kim Quang được các ký giả kịch trường thời đó tặng cho mỹ hiệu hề trí thức.
Danh hề Kim Quang
Hề trí thức, đó chỉ là một cách nói để phân biệt giữa người đóng vai hề bằng tài nghệ duyên dáng của mình để chọc cười khán giả khác với những người diễn hề mà chỉ biết phùng mang trợn mắt, méo miệng nhíu mài, làm trò hề kiểu diểu hình hoặc diễu dơ với những lời nói tục.
Hề Kim Quang tên thật là Nguyễn Văn Quang, sanh năm 1929 tại Núi Sam Châu Đốc. Kim Quang và cả gia đình đều tu trong chùa Tây An ở núi Sam Châu Đốc.
Năm Kim Quang được 17 tuồi nhân xem hát cải lương tuồng Lý Chơn Tâm cởi củi của đoàn Hề Lập hát tại rạp Châu Đốc, Kim Quang thích vai hề Lý Chơn Tâm nên anh bỏ chùa trốn theo gánh hát của Hề Lập. Hề Lập thu nhận Kim Quang và đích thân dạy cho Kim Quang hát các vai hề.
Kim Quang có khiếu diễn hài nên tiếp thu mau lẹ những kinh nghiệm diễn diểu của Hề Lập. Sau mấy tháng học hát học ca, Kim Quang được Hề Lập cho lên sân khấu hát, có vai diễn trong các tuồng Lý Chơn Tâm Cởi Củi, Tráng Sĩ Kinh Kha, Long Hình Quái Khách. Hề Lập đã truyền nghề cho Kim Quang qua cách diễn, cách nói : Cũng một câu nhưng nói như thế nào người ta không cười mà nói như thế nào thì người ta lại cười.
Đó là tiết tấu khi nói, hoặc ngắt câu nói để tạo sự chờ đợi của khán giả, khi dứt câu thì câu nói đó khác với dự đoán của khán giả nên khiến khán giả phải cười. Ngoài cách nói còn phải chú trọng đến giọng điệu, đến âm lượng, đến cách nói và điệu bộ phù hợp để tạo cười.
Năm 1955, hề Kim Quang gia nhập gánh hát Thanh Minh của bầu Nghĩa. Anh cộng tác với đoàn Thanh Minh, rồi Thanh Minh Thanh Nga cho đến năm 1967.
Trong thời gian nầy Kim Quang đã hát vai hề trong các tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, Lửa Hờn, Con Trai Người ăn mày, Đôi Mắt Người Xưa, Ngả Rẽ Tâm Tình, Bọt Biển 1, Bọt Biển 2, Bọt BIển 3, Tình Xuân Muôn Tuổi, Chuyện Tình 17, Người Tình của Biển của soạn giả Nguyễn Phương, tuồng Tình Tráng Sĩ của Mộc Linh, tuồng Đồ Bàn Di Hận của Lê Khanh, tuồng Vàng Sáu Bạc Mười của Hoàng Khâm, tuồng Nữa Đời Hương Phấn, Tấm Lòng Của Biển, Mưa Rừng của Hà Triều Hoa Phượng, tuồng Hoa Mộc Lan, Mạnh Lệ Quân của Viễn Châu và Nguyễn Ang Ca…
Kim Quang là diễn viên hài không sử dụng nhiều động tác khoa trương hình thể, gây cười bằng sự dị dạng méo mó mặt mày. Nhờ cái duyên sân khấu bẩm sinh, Kim Quang biết khai thác những tình huống hài trong tuồng mà soạn giả đã tạo cho anh đất diễn diễu, Kim Quang đã tự khẳng định vai trò quan trọng của một diễn viên hề bên cạnh cặp đào kép mùi và kép độc trong một vở tuồng.
Những diễn viên hài từng hát trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga có Hề Núi, Hề Châu Hí, Hề Giáp, Hề Bảy Xê, Hề Tư Rọm, hề Ba Vân, hề Thanh VIệt nhưng chỉ có Hề Kim Quang là người cộng tác lâu nhứt trong 12 năm liên tục và tuồng nào của đoàn hát Thanh Minh và Thanh Minh Thanh Nga cũng có mặt hề Kim Quang.
Năm 1967, Kim Quang về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, nổi danh trong các tuồng Tuyệt Tình Ca, Kẻ Sợ Tình, Người Dừng Chân Đêm Mưa, Tiền Rừng Bạc Biển, Lệnh Của Bà….
Sau năm 1975, Kim Quang hát cho đoàn cải lương Trung Hiếu Long An và Đoàn cải lương Saigon 3, anh vẫn được khán giả ưa thích qua vai hề trong các tuồng Mái Tóc Người Vợ Trẻ, Quán Hương Tràm, Phụng và Hoàng…
Kim Quang kết hôn với cô Nguyễn Thị Phương, nhơn viên của đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong năm 1967, có được ba con : con gái lớn sanh năm 1970 tên là Nguyễn Thị Chi tức nữ nghệ sĩ Kim Chi, cô gái thứ hai sanh năm 1971 tên Nguyễn Thị Tuyết Mai làm nghề uốn tóc và con trai út sanh năm 1972 tên Nguyễn Chí Dũng, nghệ sĩ đánh trống, Chí Dũng từng cộng tác với các đoàn hát Trần Hữu Trang, đoàn Kim Thanh, đoàn Cao Văn Lầu và đoàn hát Vàm Cỏ.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi học văn hóa ở trường Đức Trí kế bên rạp hát Quốc Thanh, thường được cha dẫn vào hậu trường sân khấu của các đoàn hát Trung Hiếu Long An và đoàn cải lương Saigon 3 nên cô rất mê hát cải lương. Khi Kim Quang cộng tác với đoàn hát cải lương Saigon 3, nhân dịp đoàn hát tổ chức lớp đào tạo diễn viên trẻ, Kim Quang cho con gái của anh là Kim Chi theo học hát. Lúc đó Kim Chi được 13 tuổi.
Sau bốn tháng học hát, Kim Chi đã được đưa đóng một vai trong tuồng Nữa Tuần Trăng Kỳ Lạ. Cô đã hát thành công vai tuồng đó, chứng tỏ Kim Chi là một tài năng trẻ có khả năng trở thành một cô đào chánh, nhưng sau đó Kim Chi chẳng có vai nào thích hợp với cái tuổi 13 của cô để cô có thể xuất hiện trên sân khấu.
Dịp may nghệ sĩ Hoàng Ngọc Ẩn, bầu gánh hát Bến Cát ở tỉnh Sông Bé về Saigon kiếm đào trẻ, Hoàng Ngọc Ẩn đã được xem Kim Chi hát ở đoàn Saigon 3 nên anh thương lượng với Kim Quang cho Kim Chi theo anh về đoàn hát Bến Cát ở Sông Bé. Anh hứa sẽ tạo điều kiện cho Kim Chi hát hàng đêm ở sân khấu.
Kim Chi nghe vậy bèn xin cha cho theo Hoàng Ngọc Ẩn về hát ở đoàn Bến Cát, Sông Bé. Vậy là mới 13 tuổi, Kim Chi đã một mình ra đi lập thân. Cô đã hát trên sân khấu Bến Cát qua vai đào nhì các tuồng như Người Tình trên Chiến Trận, Hoa Thiên Lý.
Nhìn qua các đoàn hát mà nữ nghệ sĩ Kim Chi đã từng cộng tác, người am hiểu tình hình sân khấu đã thấy được manh nha những yếu tố làm cho nghệ thuật sân khấu ngày càng tuột dốc vì các sân khấu đó cóp những tuồng cũ trước năm 1975, sửa tựa tuồng hoặc để y như cũ nhưng về mặt diễn viên và kỷ thuật ca diễn thì kém hơn các nghệ sĩ tài danh ở các đại ban đã từng công diễn các vở tuồng đó.
Năm 1983 đến 1985, Kim Chi hát cho đoàn Bến Cát của Bầu Hoàng Ngọc Ẩn, với các bạn diễn : nghệ sĩ Linh Cường, Linh Thúy, Thanh Hà, Chiêu Tuấn, Quốc Thảo, Kim Phương, Linh Thanh, hề Ca Reo.
Năm 1985 đến năm 1987, Kim Chi hát cho đoàn Hoa Lan quận 6 của Bầu Tấn An, có các nghệ sĩ Thanh Ngân, Thanh Dũng, Tấn An, Xuân Lan, Hoài Châu, Vương Kiệt, Thanh Long, Như Thúy, Hề Quẹo.
Năm 1987 đến 1989, Kim Chi hát cho đoàn Hương Bưởi tỉnh Đồng Nai, Trưởng Đoàn là Tam Tài, với các nghệ sĩ Linh Hoàng, Ngân Phụng, Ngân Dũng, Linh Thanh, Phương Thảo, Hoàng Long, Hồng Anh, Thanh Ngân,Tấn Đáng, Vũ Sơn, Mỹ Hoa, Trương Xuân Dung.
Tháng 6 năm 1987, Kim Quang bị bịnh phổi phải nằm nhà thương Nguyễn Trãi. Vài tháng sau anh ra khỏi bệnh viện nhưng sức khoẻ suy kém, không theo sân khấu hát được nữa. Nữ nghệ sĩ Kim Chi về thăm cha, thấy Kim Quang bịnh nặng, cô không muốn theo các gánh hát đi hát xa nhà nữa nhưng Kim Quang trấn an là anh vẫn khoẻ, anh khuyên Kim Chi đừng bỏ nghề, ráng bám theo nghiệp Tổ.
Kim Chi trở về gánh hát Hương Bưởi nhưng đến những tháng cuối năm 1989, Kim Quang trở bịnh nặng, nữ nghệ sĩ Kim Chi rời đoàn hát về ở nhà lo thuốc thang phụng dưởng cha. Trước khi mất, Kim Quang trối lại với đứa con gái duy nhất đã theo nghề hát của anh là phải ráng theo nghiệp Tổ, đừng bỏ nghề hát.
Kim Quang mất cuối năm 1989, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp.
Năm 1990, nữ nghệ sĩ Kim Chi đi hát cho đoàn Kim Thanh của ông bầu Phi Bằng tỉnh Tây Ninh.
Năm 1993, Kim Chi nghĩ hát ở đoàn Tây Ninh, gia nhập đoàn hát Hoa Đăng tỉnh Đồng Nai, trưởng đoàn là nghệ sĩ Bảo Vương.
Năm 1994, Kim Chi về hát cho đoàn cải lương Trần Hữu Trang Saigon.
Năm 1995, Kim Chi về hát cho đoàn cải lương Saigon 1, Trưởng đoàn là nghệ sĩ Thanh Điền.
Tình hình sân khấu cải lương sa sút, nếu theo các đoàn hát nhỏ thì phải đi hát ở miền Trung hoặc ở các thôn xã xa xôi thì mới có khán giả, nghệ sĩ kiếm sống qua ngày được. Trong khi xã hội ngày một thay đổi, rạp hát cải lương ở các thành phố bị phá để xây cất những chung cư hoặc khu thương mãi mới, chỉ còn lại một rạp hát duy nhứt là rạp Hưng Đạo, mà rạp Hưng Đạo lại thuộc về ba đoàn hát Trần Hữu Trang quản lý nên các đoàn hát khác khó có lịch trình hát được ở rạp nầy.
Các đoàn hát lại không có tuồng mới vì không còn mấy soạn giả có thể sáng tác tuồng tích hay như ngày xưa. Sáng tác tuồng mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì ít khán giả đi xem và cũng khó mà viết các loại tuồng nầy. Dùng tuồng cũ thì khán giả quá nhàm chán, nghệ sĩ không được tập tành chu đáo như các nghệ sĩ đàn chú đàn bác, cuộc sống theo nghề hát hiện nay rất là khó khăn. Nữ nghệ sĩ Kim Chi cũng nhất quyết không bỏ nghề hát vì cha của cô, cố nghệ sĩ Kim Quang đã khuyên cô nên giữ gìn nghiệp Tổ.
Lòng hiếu thảo của Kim Chi được các nghệ sĩ đồng trang lứa tán thưởng và dành cho Kim Chi rất nhiều cảm tình, nhưng không giúp gì được cho Kim Chi trong cuộc sống bằng nghề hát cải lương như lời trăn trối của cha cô.
Trong khi tình hình sân khấu cải lương quá sa sút, tại Saigon không có nhiều rạp hát cho các đoàn cải lương trình diễn thì người ta dám bỏ cả hai tỷ đồng để mà dựng một tuồng cải lương không phải cải lương, ciné không phải ciné để hát trong Trung Tâm Thể Thao Phan Đình Phùng, nhưng bỏ ra tiền tỷ để xây cất lại rạp hát hay chỉnh trang lại các rạp dành cho cải lương thì người ta không làm.
Nếu Kim Quang còn sống, biết sân khấu cải lương như một chiếc xe đò chở nghệ sĩ, xe hết xăng, hư máy, đứt thắng, không có tài xế mà lại đổ dốc 99 ngọn đèo ngoạn mục, không biết chiếc xe đó sẽ lọt xuống hang sâu núi thẳm lúc nào, Kim Quang có còn giữ lời tâm nguyện, trối trăn cho Kim Chi theo mãi cái nghiệp sân khấu đầy bất trắc và phe phái nầy không.
Source: maxreading |
|
|