|
Tiểu Sử Nghệ Sĩ » Tiểu Sử Cô Năm Phỉ
NĂM PHỈ - PHƯỢNG HOÀNG CỦA SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG
Người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất
Cách Saigon 70 km, dọc theo bờ sông Tiền là thành phố Mỹ Tho. Những vòm cây ăn trái xòe bóng mát quanh năm. Cuối thế kỷ XIX có gia đình ông Công, họ Lê sinh được 11 người con. Cách đặt tên con của ông cũng ngộ, ngoài tên Công của ông đứng đầu thì tên các con ông sẽ hợp thành câu: "Công thành danh toại phỉ chí nam nhi bia truyền tạc để". Dù ông ghét cay ghét đắng chuyện "đào kép hát hò", nhưng về sau lại có những người con của ông trở thành những nghệ sĩ tiên phong, những tên tuổi sáng chói trên sân khấu cải lương miền Nam. Trong đó, nổi bật là nghệ sĩ Năm Phỉ, tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906.
Ngay từ năm mới lên mười, bà đã đi theo tiếng gọi của sân khấu trong sự đồng tình của người mẹ. Từ đó, ông Công xem như đứa con gái thứ năm của mình đã chết lúc mới lọt lòng, cấm trong nhà không ai được phép nhắc đến tên Năm Phỉ nữa. Dù vậy, bước đi của bà đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người em, sau này cũng nổi tiếng không kém là Nghệ sĩ Bảy Nam, Chín Bia và Mười Truyền. Khi ông anh hai kiểm tra bài vở của cô em thứ bảy, chỉ thấy chép...toàn bài ca, giận lắm, bèn cột chân mà thả xuống giếng sau chùa Mỹ Tho rồi hỏi: " Mày thích đi học hay đi hát?" Dù đang toòng teng dưới giếng, cô gái mới 11 - 12 tuổi đầu ấy cũng rắn rỏi nói vọng lên: "Đi hát!". Về cuối đời, khi đã được công nhận là Nghệ sĩ nhân dân, nếu hỏi bà Bảy Nam ai là thần tượng, thì bà không ngần ngại nói ngay đó là chị ruột của mình: Năm Phỉ.
Đánh giá sự nghiệp của Năm Phỉ, nghệ sĩ Ba Vân đã thốt lên: "Theo tôi, cô Năm là thiên tài trong lĩnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói không quá đáng, cô là người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất. Mỗi khi nhận vai tuồng, cô Năm thường suy nghĩ rất nhiều về cách diễn, nghiên cứu từng bước đi, ngồi, đứng, di động trên sân khấu làm sao cho mỗi động tác đều phải thể hiện rõ và đúng tâm trạng của nhân vật. Với vóc dáng mảnh mai và một giọng ca tuy không phong phú lắm nhưng rất đặc biệt, thuộc loại giọng hiếm có, hơi khàn khàn nghe rất thảm, rất thích hợp với những vai đào thương.
Với cách diễn thiên về nội tâm và giọng nói, hơi ca tình cảm, cô Năm đã thu hút được trọn vẹn khán giả mỗi lần xuất hiện trên sân khấu". Nhà giáo nhân dân, giáo sư Hoàng Như Mai khẳng định: "Nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu cải lương "
Số phận của bà Năm Phỉ thật lạ. Do theo nghề hát quá sớm nên bà không được học hành, chỉ biết ký mỗi cái tên của mình. Không biết chữ, nhưng bà lại có trí nhớ khó ai sánh kịp. Mỗi lần tập vở diễn, người ta đọc cho bà nghe, chỉ nghe qua một lần là bà nhớ như in. Có lẽ tình yêu sân khấu đã tạo cho bà trí nhớ tuyệt vời ấy chăng? Theo nhiều người kể lại, trong đó có nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam, mỗi lúc tiếp khách, miệng nói với khách nhưng tai bà vẫn lắng nghe người ta đang đọc vở tuồng. Khách ra về, bà đã thuộc luôn lời thoại của vở diễn mới..
Nghệ sĩ Năm Phỉ cất tiếng khóc chào đời ở đất Mỹ Tho. Mảnh đất ấy lại là cái nôi cưu mang cho nghệ thuật cải lương, từ thuở loại hình nghệ thuật này mới chập chững những bước đi đầu tiên. Về mặt lịch sử, trong tác phẩm khảo cứu "Nghệ thuật sân khấu cải lương", nhà nghiên cứu Trần Văn Khải có viết những nét chính, mà ngay cả học giả Vương Hồng Sển cũng phải trích lại trong "Hồi ký 50 năm mê hát" và khẳng định "rành rẽ, đầy đủ, không ai chối cãi được".
Theo đó, cải lương ra đời vào năm 1917: "Trước kia ở rải rác trong các tỉnh phía Nam phần có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia tân hôn, thăng quan, giổ quải v.v... Nhưng, không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng...Qua lối năm 1910, ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Võ (đờn có), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca). Ban tài tử này đờn ca rất hay vì phần đông đã được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp mới về.
Kế năm 1911, tài tử Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra trước công chúng, nên thương lượng với chủ nhà hàng "Minh Tân khách sạn" ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho - Saigon để ban tài tử đờn ca giúp vui, thực khách đến nghe càng ngày càng đông. Nhận thấy sáng kiến này có kết quả khả quan, thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino phía sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình đông khán giả bèn mời ban tài tử Tư Triều đến trình bày tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi chiếu bóng. Lối ca trên sân khấu được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt" (tr.83).
Nhưng cái thuở ban đầu ấy, ban nhạc tài tử xuất hiện trước sân khấu chỉ ngồi trên bộ ván, mặc quốc phục và cất tiếng ca mùi mẫn. Ít lâu sau, khoảng năm 1915 - 1916 có một khách tài tử mê cầm ca là ông Phó Mười Hai (tức Tống Hữu Định) ở Vĩnh Long đến Mỹ Tho thưởng thức. Sau khi nghe cô Ba Đắc ca rất ngọt những bài cổ điển, ông có sáng kiến là nghệ sĩ phải đứng trên sân khấu vừa ca, vừa diễn xuất thì mới thật sự hấp dẫn. Lối diễn này gọi là "ca ra bộ".
Với sáng kiến quan trọng này, từ nay nghệ sĩ không còn ngồi đờn ca đơn thuần mà phải có động tác phù hợp với lời ca. Điều này đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, không những nghe giọng hát hay mà họ còn được xem trình độ diễn xuất của nghệ sĩ. Và cũng qua diễn suất, người nghệ sĩ mới có thể diễn đạt hết cái hay, cái đẹp trong ca từ. Có thể nói, "ca ra bộ" là hình thức của trình diễn sân khấu, là gạch nối của hình thái âm nhạc chuyển dần sang hình thái sân khấu.
Qua năm 1917, ông André Thận ở Sa đéc lập gánh xiếc nhưng trong đó có vài màn "ca ra bộ". Rồi năm 1918, ông Năm Tú ở Mỹ Tho thuộc ban ca kịch của ông André Thận cải tiến thêm là trên sân khấu có trưng bày phông cảnh đẹp mắt, trang phục đa dạng hơn, lại mời ông Trương Duy Toản soạn tuồng - như vở Hạnh nguyên cống Hồ (dựa vào truyện NhỊ độ mai), Trang tử cổ bồn ca (dựa vào Nam hoa kinh)...Gánh hát của ông Năm Tú hát tại Mỹ Tho nhưng tối thứ bảy thì diễn ở rạp Eden (Chợ Lớn).
Lúc bấy giờ, tuyến đường sắt Saigon - Mỹ tho đã hoàn thành nên việc đi lại dễ dàng thuận tiện. Chính nhờ phương tiện này mà sau đó ông Năm Tú thuê rạp Moderne ở Saigon, cứ thứ bảy và chủ nhật thì từ Mỹ Tho lên hát. Saigon vốn là thành phố năng động về công việc làm ăn, nên khi hãng Pathé đặt chi nhánh tại đây, họ liền mời gánh hát của ông Năm Tú đến thu đĩa. Ông Năm Tú muốn nhân cơ hội này thông qua đĩa hát để phổ biến điệu cải lương thời kỳ sơ khai ra khắp nước nên đồng ý. Đồng thời với gánh hát của ông Năm Tú còn có những gánh hát khác xuất hiện như gánh Đồng Bào Nam, Nam Đồng Ban, Tân Phước Nam... Đến năm 1920, gánh hát Tân Thinh ra đời tại Saigon, thiên hạ thấy có ghi hai câu như tuyên ngôn:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Bà Năm Phỉ bấy giờ hát cho gánh Nam Đồng Ban ở Mỹ Tho, diễn chung với những tên tuổi lừng lẫy như Tám Danh, Ba Du...gánh hát này do ông Hai Cu và ông Hai Quản làm thợ bạc thành lập. Con trai ông Hai Cu là nghệ sĩ Hai Giỏi, người chuyên đóng những vai chính rất "ăn ý" với Năm Phỉ trong các vở Tham phú phụ bần, Ơn đền oán trả, Thiện ác hữu báo, Bội thê thiên xử, Chí Thiện - Chí Hiếu...
Source: maxreading |
|
|