Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Ca Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Ca Sĩ » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (8) Ca Sĩ: Ái Vân    
Ngày Đăng: 19 Tháng 06 Năm 2013

Mới ngày nào ông còn là “công tử Hà thành” đẹp trai bay bướm lả lướt trên chiếc xe hơi bóng loáng, giờ lọc cọc chiếc xe đạp ngày ngày đưa đón tôi và Ái Xuân đi tập nhạc.

Trong số các cô chú ở cùng cơ quan với ba, tôi nhớ và thích nhất cô Hà Nhân, Vụ phó Vụ sân khấu. Về hình dáng, cô có nước da trắng trẻo, điệu đà, xinh xắn khá giống má tôi, tính cách thì lại rất mạnh mẽ nên tôi ngưỡng mộ lắm. Cô Hà Nhân thường qua nhà hỏi thăm chúng tôi và xui chúng tôi nếu muốn ba cai được thuốc lào thì lấy nhọ nồi và mỡ bôi quanh ống điếu. Tôi và Ái Xuân đã lén lút làm theo lời cô. Khi ba tôi hút thuốc xong, hàng xóm và đồng nghiệp ai thấy cũng cười ngặt nghẽo. Khi phát hiện ra, ba tôi cáu tiết, tra vấn hai chị em nhưng chúng tôi nhất quyết không khai. Cuối cùng thì “mèo vẫn hoàn mèo”, ba tôi vẫn chung thủy với ông bạn hôi rình là cái ống điếu. Những năm cuối đời, ba ho và nằm một chỗ, ông nói, điều ông ân hận nhất là đã hút thuốc khiến cho sức khỏe về già bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau lần được mách nước bôi mỡ và nhọ nồi vào ống điếu của ba tôi, tôi và Ái Xuân thân với cô Hà Nhân hơn. Mỗi khi cô ăn trầu xong, tôi thường xin cô bã trầu để nhai lại, rồi nhổ ra nước màu đỏ đỏ thì thích chí lắm.

Một hôm tôi đang nhai bã trầu thì mắc tiểu. Khi đi tiểu, tôi ngạc nhiên khi mình không có nhổ nước trầu ra mà nước tiểu lại có màu đỏ. Tôi suy nghĩ mãi, vào nhà ngồi, một chút lại thấy phần bên dưới ướt ướt. Kiểm tra thì lại vẫn thấy có… nước trầu. Thôi chết, thế này là thế nào? Mình sắp chết rồi chăng? Tôi ngồi im thít trên giường không dám động cựa. Cô Hà Nhân đi ngang qua, hỏi Vân đã ăn cơm chưa, sao lại ngồi đây, có ốm không, sao không thắp đèn lên. Thấy tôi ngắc ngứ, cô lại tới sờ trán, không thấy có dấu hiệu gì cảm sốt. Quái nhỉ? Cô hỏi nhưng tôi cứ mếu máo mãi, nói không nên lời. Cuối cùng cô cũng phát hiện ra bí mật của tôi. Cười rất tươi, cô Hà Nhân thay mẹ giảng giải cho tôi những điều cần biết và cần tránh trong những ngày đến tháng của người con gái. Cô bảo: “Vân ơi, Vân đã lật qua một trang sách mới rồi đấy!”. Rồi rất ân cần, cô chỉ dạy cho tôi từ chuyện dùng tập giấy bản thế nào, vệ sinh cá nhân ra sao. Tôi đã bớt ríu lại vì sợ hãi. Cảm thấy dần dần ổn định tinh thần để lắng nghe những biến đổi của cơ thể mình.

Ái Vân thời thiếu nữ.

Tôi đã bước vào ngày đầu tiên của thời thiếu nữ khi vắng mẹ như vậy đó!

Về phần má tôi bên xã Như Quỳnh thì cuộc sống trôi đi có phần sôi động hơn. Xung quanh má là học viên - những diễn viên cải lương tương lai - nên không khí lúc nào cũng rộn rã tiếng nhạc, tiếng ca. Nơi thì tập vũ đạo, chỗ lại học diễn xuất. Má thường ngồi đánh đàn nguyệt dạy hát cho các học trò. Anh Hà Quang Văn của tôi ngày đó đặc biệt giỏi về vũ đạo. Ngoài giờ dạy học, anh thường cùng chị Thu Vân biểu diễn vũ đạo khắp nơi. Tôi vẫn nhớ những đường quyền trong tiếng nhạc: “Cồng xáng cồng liu u, liu cống xê xàng xê…” và những màn trình diễn đơn kiếm, song kiếm, mã tấu của anh và chị Vân, đến đoạn vừa mã tấu trong tay, vừa “loan” (lộn) khắp hàng chục vòng trên sạn khấu, khán giả như vỡ oà trong những tiếng reo hò và vỗ tay tán thưởng.

Một hôm, Út Ái Thanh đi chơi ném thóc với trẻ con trong làng, về đến nhà thấy sưng húp một bên mắt trong lúc tay em vẫn dụi liên tục. Chỉ ngay ngày hôm sau, mắt của Ái Thanh đã kéo màng. Má sợ quá kêu ba chạy qua tức tốc chở Thanh về Hà Nội thăm khám. Đến bệnh viện Phủ Doãn trên phố Bà Triệu (nay là Viện Mắt Trung Ương), bác sĩ đã gắp ra được nguyên một hạt thóc từ trong mắt của cô bé. Các nhân viên y tế đều nói rất may đã đưa Ái Thanh tới bệnh viện kịp thời. Chỉ cần để tới ngày hôm sau thôi thì rất có thể em sẽ bị hỏng luôn con mắt đó. Cả nhà hú hồn hú vía!

Cuộc sống đi sơ tán diễn ra ngày tiếp ngày. Một hôm ba tôi gọi tôi và Ái Xuân tới bên và nói: “Nếu muốn làm nghệ sĩ giỏi, các con phải biết chơi đàn. Đó, nhìn gương của má con kìa. Má vừa hát hay, diễn giỏi, còn chơi thành thạo đàn kìm, không những vậy, má còn đánh trống rất chắc nhịp và nhảy vô cùng điêu luyện nữa!”. Sau lời giới thiệu một cách vô cùng tự hào về vợ mình, chỉ ít ngày sau, Ái Xuân được ba gửi đi học đàn tranh. Thật may mắn cho em gái tôi đã được học với thầy Út Du. Thầy từng là nhạc sĩ đàn tranh cừ khôi của Đoàn Cải lương Nam bộ, sau đó về giảng dạy tại trường. Học được một thời gian, khi đã khá thành thạo, Ái Xuân thường tìm cách học thêm và hòa tấu với một học trò cưng của nghệ sĩ Út Du nữa. Cậu bé này tên là Văn Hai. Nhờ chăm chỉ tập luyện, tố chất cảm thụ âm nhạc tốt và được học thầy giỏi, tiếng đàn của Ái Xuân khá ngọt. Được đà, Xuân tranh thủ học tiếp đàn bầu và rất nhanh chóng chơi được vài bài.

Ông Hà Quang Định (phải) - cha của nghệ sĩ Ái Vân - bên NSND Phùng Há.

Thấy Ái Xuân tiến bộ nhanh, ba tôi cũng tức tốc bắt tôi phải học đàn bầu với mong muốn có thể lập thành ban nhạc gia đình hoàn hảo. Điều đó rất cần thiết để phục vụ cho việc biểu diễn. Với tầm nhìn xa của mình, ba tôi rất muốn chúng tôi nếu đã theo nghệ thuật thì bắt buộc phải khổ luyện mới thành tài. Bởi vậy, bất kể phải làm việc gì, dù vất vả đến mấy ba tôi cũng không ngại để giúp ích cho con đường nghệ thuật của vợ và các con. Những chuyến đi từ Lạc Đạo sang Như Quỳnh thăm má Ái Liên của cha con tôi trở nên thường xuyên hơn và không còn đơn thuần chỉ là việc rong chơi với những trò con nít nữa. Tôi và Ái Xuân được nạp thêm rất, rất nhiều kiến thức giúp cho sự nghiệp nghệ thuật của chúng tôi sau này.

Thời gian học đàn tranh, Ái Xuân được thầy Út Du tặng một cây đàn tranh. Nhưng còn đàn bầu thì lấy đâu ra để mà tập, ở hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề nơi đi sơ tán ấy. Ba tôi trăn trở suy nghĩ mãi. Khó nhưng ông vẫn quyết tâm tìm mọi cách để tôi có được chiếc đàn bầu.

Ba tôi bắt đầu lên “chiến dịch” lân la làm quen với mấy chú trong ban nhạc. Do tài ngoại giao giỏi, ông xin được một thân đàn bầu đã rất cũ nhưng đầy đủ cả bầu. Tuy vậy, bầu có mà dây thì không! Đàn không có dây thì chỉ là món đồ vô dụng, thậm chí không biết sử dụng vào được việc gì khác nữa. Và không cần nói ra thì ai cũng dễ hình dung: dây đàn thời đó hiếm hoi kinh khủng.

Trong cái sự khó thì lại ló cái khôn, ba tôi nghĩ ra việc lấy cái phanh xe đạp cũ và rút ra một sợi dây thép trong đó để làm dây đàn. Âm thanh trong ra phết. Vậy là tôi có chiếc đàn bầu để hàng ngày luyện tập.

Ba tôi đúng là người đàn ông kỳ tài và cực kỳ yêu thương các con. Mới ngày nào ông còn là “công tử Hà thành” đẹp trai bay bướm lả lướt trên chiếc xe hơi bóng loáng, giờ lọc cọc chiếc xe đạp ngày ngày đưa đón tôi và Ái Xuân đi tập nhạc. Sau này cho dù có được nhiều cây đàn chuyên nghiệp khác, nhưng cây đàn bầu với phanh xe đạp vẫn là cây đàn quý giá nhất đời tôi.

Về phần tôi, đương nhiên là được học từ thầy dạy nhạc hẳn hoi, nhưng người dạy tôi bập bõm những tiếng đàn đầu tiên lại là Ái Xuân. Sau này khi trở về Hà Nội, tôi còn được học thêm với Toàn Thắng, em trai của nghệ sĩ đàn tranh Phương Bảo. Tuy vậy, việc học có thầy hướng dẫn chỉ được một thời gian ngắn, còn tôi tự tập là chính. Tôi vẫn nhớ ngày đó trong giới văn nghệ có câu: “Đàn bầu chỉ có một dây. Học xong ba tháng đi Tây cả đời”. Nghe thì dễ quá đi mất, ham lắm, nhưng với riêng tôi tập mãi mà tiếng đàn vẫn rất ngô nghê. Tôi chỉ có thể chơi hòa tấu trong ban nhạc gia đình, còn má tôi và Ái Xuân thì vẫn là những cây đàn chính.

Bốn "Ái nữ" của NSND Ái Liên: Ái Vân (trái), Ái Xuân, Ái Thanh và Ái Mai.

Về lại số nhà 36-38 phố Huế, má Ái Liên, Ái Xuân và tôi tập đàn và ca hát hầu như mỗi ngày. Chúng tôi hợp lại thành gánh nhạc mini khá độc đáo. Bài tập hàng ngày là hòa tấu những bản nhạc hết sức kinh điển mà đến tận bây giờ mỗi khi có chương trình ca múa nhạc dân tộc, các bản này vẫn được các nghệ sĩ biểu diễn. Đó là các bản Lưu Thủy - Kim Tiền – Xuân Phong – Long Hổ.

Mô hình của "gánh hát" gia đình chúng tôi như thế này: ba và anh Văn viết kịch bản cũng như các lời ca cải lương. Má và anh Văn làm đạo diễn. Còn đương nhiên, hai diễn viên nhí là Ái Vân và Ái Xuân. Những khi chúng tôi hát thì má chơi đàn hoặc đánh trống. Anh Sơn được giao nhiệm vụ đảm trách tất cả các công việc làm đạo cụ. Trong khi tinh thần luyện tập nghệ thuật lên cao độ thì bà ngoại lo nấu nướng hoặc may vá quần áo cho các nghệ sĩ nhà. Ba tôi cũng lăng xăng lo pha nước chanh, gọt trái cây và đứng ngoài cầm quạt nan quạt một cách cực kỳ nhiệt tình. Vừa đứng quạt, vừa nghe diễn tập, ba tôi vẫn thỉnh thoảng chen vào vài câu góp ý. Khán giả trung thành và cũng là duy nhất là cô em út Ái Thanh. Thanh ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu, nghển cổ lên xem hết sức chăm chú. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống rộn ràng suốt ngày trong nhà tôi. Và chính nhờ suốt ngày xem má và các chị tập hát mà Ái Thanh sau này đã giấu gia đình đi thi tuyển vào làm diễn viên Nhà hát kịch Tuổi Trẻ tại số 23 Ngô Thì Nhậm. Đây chính là trụ sở của Đoàn cải lương Nam bộ ngày nào…

Trong khi chúng tôi sống sôi động trong không khí văn nghệ rộn ràng như vậy thì ở Hà Bắc, cuộc sống của chị Mai, anh Thành vẫn vô cùng yên ả. Mặc dù đoàn tụ là mong ước của tất cả mọi người, nhưng do hoàn cảnh trường lớp thời chiến khó khăn nên gia đình tôi đành phải chấp nhận đi sơ tán ở 3 nơi khác nhau. Tất cả phải tự ổn định cuộc sống và tìm lấy niềm vui trong sự xa cách, trong nỗi nhớ thương và sự đợi chờ khắc khoải. Chúng tôi mong cho đến ngày các thành viên trong gia đình đều được trở về sống chung dưới mái nhà thân yêu ở phố Huế như những ngày xa xưa hạnh phúc và thanh bình…

Còn tiếp...

Sources: vnexpress

Ái Vân
Tiểu Sử Ái Vân
  » Nhan Sắc Ái Vân Qua Thời Gian
  » Ái Vân Và Dàn Diễn Viên Phim 'Chị Nhung' Sau Hơn 45 Năm
  » Ái Vân Hội Ngộ Người Chồng Thứ Hai: Mọi Oán Hờn 'Để Gió Cuốn Đi'
  » Tự truyện Ái Vân (Phần Cuối): Cuộc Sống Thời Đào Hầm Tránh Bom
  » Tự Truyện Ái Vân (Phần 6): Nỗi Đau Bị Mất Căn Nhà Yêu Dấu
  » Tự Truyện Ái Vân (phần 5): Cuộc Ly Hôn Lặng Lẽ
  » Tự Truyện Ái Vân: Hư Thai Con Đầu Lòng Vì Chạy Show Trả Nợ
  » Tự Truyện Ái Vân: Người Chồng Sắp Cưới Gây Nợ Nần
  » Tự Truyện Ái Vân: Tiếng Sét Ái Tình Ở Tuổi 22
  » Ái Vân Hát, Giao Lưu Ở Đường Sách TP HCM
  » Tự Truyện Ái Vân: Tuổi Dậy Thì Mơ Về 'Cánh Buồm Đỏ Thắm'
  » Tự Truyện Ái Vân Bỏ Trắng Bảy Trang Về Người Chồng Thứ Hai
  » Ái Vân Về Nước Ra Mắt Tự Truyện 'Để Gió Cuốn Đi'
  » Ái Vân Về Nước Tham Gia Giai Điệu Tự Hào
  » Thành viên EXO, SISTAR, SHINee làm MC đêm nhạc Việt - Hàn
  » “Chuyện đời ca sĩ Ái Vân”: Sẽ Có Một Phần Những Cuộc Tình Quá Khứ
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (Kỳ Cuối)
  » Ca sĩ Ái Vân Gặp Nhiều Khó Khăn Khi Viết Hồi Ký
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (10)
  » Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (9)
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (8)
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (7)
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (6)
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (5)
  » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (4)