Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tìm Tiểu Sử Nhạc Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ » Tiểu Sử Cát Vận



    Những người yêu mến chương trình Văn nghệ sẽ nhớ mãi giai điệu của bản nhạc “Tình yêu của biển”, một sáng tác của nhạc sĩ Cát Vận.
    Phóng viên VOV đã phỏng vấn một trong số những gương mặt đó - nhạc sĩ Cát Vận.
    
    PV: Ông hãy chia sẻ về tác phẩm đầu tay?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Năm 1975, tôi viết bài đầu tiên “Chân dung dũng sĩ” về trận đánh Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Ngay hôm sau tôi đến nhà anh Quý Dương, khi đến anh đang dạy học. Bài hát sau này được giới thiệu trong một chương trình về chiến thắng Tây Nguyên, chương trình ca nhạc đầu tiên của truyền hình, ngày đó vẫn ở 58 Quán Sứ, cùng ca khúc “Những tiếng ca vang trên đất này” (sáng tác Nguyễn Đức Toàn).
    
    PV: Còn một ca khúc da diết, giai điệu đẹp và ca từ thật hay khác? Ca khúc “Đi dọc Việt Nam”?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Đó là một ca khúc có chiều sâu nội tâm. Lần đầu tiên người Việt Nam được đi từ đất Tổ cho đến mũi Cà Mau. Ngày đó, tôi và Nguyễn Cường trong cùng đoàn công tác, chúng tôi đã ôm cột mốc số 0 khóc, và nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu:
    
    “Tổ quốc tôi như một con tàu
    
    Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”
    
    Lúc đó miền Trung cát trắng và quê hương mình nghèo thật, tình yêu Tổ quốc dào dạt. Người đầu tiên hát bài này là Nghệ sĩ Quang Phác. Ông hát rất cảm xúc, hơi thở âm nhạc hòa nhịp cuộc sống. Như tình hình đất nước và con người lúc đó.
    
    PV: Những người yêu mến chương trình Văn nghệ sẽ nhớ mãi giai điệu của bản nhạc “Tình yêu của biển”của ông. Bản nhạc này ra đời như thế nào?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Hồi đó, năm 1978, đường tàu Thống Nhất đang khôi phục, chúng tôi trên con tàu gồm nhiều văn nghệ sĩ dừng tại bán đảo Sơn Trà nhìn ra Đà Nẵng phía bên kia, đất liền xanh một màu xanh vời vợi, và một giai điệu vút lên. Lúc đó trên tàu có một số ca sĩ đều nói nên đặt lời, nhưng không thể có lời vì giai điệu đã nói lên tất cả.
    
    Ngày đó không có máy vi tính, tôi viết thẳng bằng bút mực, bây giờ nhìn lại thấy sợ, viết đến đâu được đến đó, sau này phối khí cho dàn nhạc, nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy, có sự tham gia của Hoàng My (sau này anh bị tai nạn và mất ở Triều Tiên), Hồng Nhung thổi flute rất hay. Bản nhạc hay được dùng làm nhạc sang trang, nhất là trong các chương trình Văn nghệ.
    
    Bộ phim thời sự tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy - một người đồng niên với tôi, ngay từ đầu phim, trong cảnh quay một người bạn của Trần Văn Thủy đang nằm trên giường bệnh vì bệnh ung thư, giai điệu “Tình yêu của biển” vang lên, biên tập âm nhạc cho bộ phim là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Đó là một bản nhạc có đời sống, và nhiều người gọi tôi là ông “Tình yêu của biển”.
    
    PV: Vâng. Một bản nhạc phù hợp với nhiều tâm trạng, rất hay, và đặc trưng văn nghệ. Đó là “Mùa Thu”?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Năm đó, khoảng trước năm 1990, theo yêu cầu của vợ chồng anh chị Nguyễn Đình Quỳ và Ngô Bích Vượng, tôi viết một tác phẩm cho đàn Tranh, đạt về kỹ thuật, phải có tình, có sự phối hợp giữa đàn dân tộc và dàn nhạc semi classic để cho bài tốt nghiệp cao học nhạc viện.
    
    Tôi hứa vậy, rồi lời hứa như một sự thách thức, lúc đó tháng Tám, đang là mùa Thu, những chiếc lá vàng rơi từng chiếc trên đường Phan Đình Phùng, đẹp như tranh, tôi đã viết bản “Mùa thu”.
    
    Nhớ những ngày viết mực Cửu Long, nước mắt rơi vì xúc động, trong kho băng tư liệu vẫn còn những giọt ố vàng, tôi viết trong căn phòng 6 mét vuông ở phố Đặng Thái Thân.
    
    PV: Ông hãy kể về những năm tháng ở Đài Tiếng nói Việt Nam?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Những ngày công tác ở Đài TNVN, tôi viết ca khúc, viết hợp xướng cho phù hợp tính chất tuyên truyền cùng các anh Hồ Bắc, Nguyễn An, Trần Chung…
    
    Cho đến giờ, càng cố gắng viết nhiều, tôi càng chiêm nghiệm ra viết một ca khúc tâm đắc có đời sống thật khó, càng nhiều tuổi tôi càng thấy dù ca khúc là hình thức đơn giản nhất của âm nhạc, nhưng cái gì giản dị nhất cái đó là chân lý, nhưng đạt được chân lý quả là khó, và vẫn còn một con đường dài phía trước. Trong quá trình đó, tôi nhận ra không khao khát không thể sáng tạo.
    
    Các nghệ sĩ tên tuổi đều ở Đài Tiếng nói Việt Nam, các tên tuổi được giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lực lượng tên tuổi quên thuộc, những cổ thụ như Lưu Bách Thụ, các anh Phan Nhân, Nguyễn An, Phạm Tuyên, Vũ Thanh, Lê Việt Hòa, Văn Dung, Thế Song, rồi anh Triều Dâng từ miền Nam…
    
    Đội ngũ nhạc sĩ ở Đài TNVN sau ngày giải phóng cùng Đài phát thanh Giải phóng bên nhà 51 Tràng Thi thật đáng ghi nhận, rồi hơn 100 nghệ sĩ với các tên tuổi Thương Huyền, Đăng Khoa, Tuyết Thanh, đặc biệt là hai giọng ca Trần Khánh, Hữu Nội…những giọng hát đầy chất anh hùng ca.
    
    Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt nam là một binh chủng ghi dấu ấn. Với một kho tư liệu âm thanh có một không hai, toàn bộ lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện lên trung thực, giá trị đích thực chỉ có ở tư liệu, trong một thân thể cường tráng đó, sự đổi thay sau này đã nhắc nhở những phút giây lịch sử không bao giờ lặp lại.
    
    Năm 2014, Hội Nhạc sĩ Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng, rất nhiều nghệ sĩ ở Đài Tiếng nói Việt Nam có góp công sức.
    
    Trong hành trang ấy, Tiếng nói Việt Nam có Trần Chung, Văn Dung… âm nhạc vang lên suốt các thời kỳ lịch sử, rất đáng tự hào.
    
    Tôi đã hết mình, và năm 2013 tôi được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, các tác phẩm đều được sáng tác trong thời kỳ công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
    
    PV: Ông hãy chia sẻ về công việc ông để lại dấu ấn ở Đài?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Tôi may mắn được làm việc ở Đài từ năm 1973. Năm 1990, Tổng biên tập Phan Quang ký quyết định cử tôi làm Kênh Âm nhạc và Tin tức chuyên biệt, chủ yếu phát nhạc quốc tế. Tới năm 1996, tôi làm Trường đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Các nghệ sĩ sống trong không khí thật lạ với một biên tập viên âm nhạc như tôi.
    
    Nhưng thật nhiều tình cảm, dấu ấn tham gia Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam năm 1998, tất các các nghệ sĩ của các nhà hát đều tham gia, nhằm tôn vinh các bài hát Việt Nam có thừ thời tân nhạc. Năm 1938, bản nhạc đầu tiên “Bình minh” của Nguyễn Xuân Khoát , “Một kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên, rồi bản “Đàn xuân” của Lê Thương, “Khúc yêu đương” của Thẩm Oánh, “Đám mây hàng”, “Cám dỗ” của Phạm Đăng Hinh, “Đường trường” của Trần Quang Ngọc,...
    
    Lần đầu tiên một dàn nhạc Semi – classic (bán cổ điển), có chỉ huy, của đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn, đệm cho các giọng hát nổi tiếng của miền Nam, họ cảm động , cuộc biểu diễn thành công suốt một tuần tại nhà hát Lớn Hà Nội.
    
    Rồi các buổi diễn chào mừng 50 năm ngày Quốc khánh, các kỳ Đại hội Đảng tại Hội trường Ba Đình… Đến khi quay về phụ trách Ban Âm nhạc, giờ đây trái tim tôi vẫn ở Đài, các kỷ niệm cứ nuôi sức mạnh, cho tôi bản lĩnh nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị.
    
    PV: Ông vẫn cống hiến và ông nghĩ gì về các nhạc sĩ trẻ?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Sau này công tác ở Hội nhạc sĩ Việt Nam, tiếp cận lớp trẻ trong các Hội thảo, Hội nghị, trong giao tiếp, tôi thấy sự đóng góp của lớp trẻ hôm nay, họ đã khác, nhìn truyền thống với con mắt không cùng thời kỳ. Nhưng âm nhạc không thể bắt người ta làm theo ý chí, họ hòa nhập với hơi thở cuộc sống và tạo nên một bức tranh tổng thể về âm nhạc Việt Nam.
    
    “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng là sự đóng góp đáng trân trọng.
    
    PV: Là một người đi trước, ông có lời khuyên gì cho biên tập viên đang làm việc hàng ngày trên sóng phát thanh?
    
    Nhạc sĩ Cát Vận: Biên tập viên mỗi một thời kỳ đều có một chức năng riêng, mỗi một chương trình, đều có hướng đi, nhưng cái đầu tiên là sự say mê, lao tâm khổ tứ, phải được sáng tạo. Một biên tập viên phải có cảm xúc cháy bỏng.
    
    Và cảm xúc thì không nên cũ,
    
    Muốn có cảm xúc phải có thực tế. Quả là thật khó vì biên tập viên có hệ lụy chung, là rơi vào vết mòn, là đến hẹn lại lên, thậm chí là đối phó.
    
    Vị trí của biên tập viên nên có sự thay đổi trong phạm vi cho phép. Để tạo ra một biên tập viên đa năng, có sinh khí, tránh mòn mỏi, vì khi biên tập viên mòn, thính giả sẽ tắt đài.
    
    PV: Xin cảm ơn ông./.

Source: vov

Cát Vận Lời Nhạc